Khi công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm khuyết trở thành con dao hai lưỡi
Giao tiếp hỗ trợ (facilitated communication) từng được ca ngợi là “phép màu” giúp những người không thể nói có thể bày tỏ suy nghĩ, kết nối xã hội và thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có thể thao túng người sử dụng. Cùng Techie tìm hiểu nhé!
Facilitated Communication (FC) – Cứu cánh hay sai lầm?
Tim Chan, một người không thể nói chuyện, coi giao tiếp hỗ trợ (facilitated communication – FC) là “phao cứu sinh” giúp anh làm được những điều tưởng chừng bất khả thi, như giao lưu xã hội hay theo đuổi bằng tiến sĩ.
“Tôi từng bị cho là vô dụng và bị phớt lờ,” Chan, 29 tuổi, người được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ từ nhỏ, chia sẻ thông qua công cụ chuyển văn bản thành giọng nói tại nhà ở Melbourne.
FC là phương pháp trong đó một người hỗ trợ sẽ điều khiển tay hoặc lưng của người khiếm khuyết để họ chỉ vào chữ cái trên bàn phím đặc biệt. Phương pháp này được quảng bá là một công cụ kỳ diệu, trao cho người khiếm khuyết “tiếng nói”. Nhưng mặt khác, nhiều chuyên gia và cựu người hỗ trợ cho rằng chính người hỗ trợ mới là người thật sự tạo ra thông điệp, khiến phương pháp này trở thành một sự lừa dối tiềm ẩn.
Một phát minh gây tranh cãi
FC được phát triển năm 1977 bởi bà Rosemary Crossley, một nhà hoạt động vì người khuyết tật người Úc. Dù được nhiều người ghi nhận như một người hùng cho những người khuyết tật, nhưng phương pháp của bà lại vấp phải chỉ trích dữ dội.
Trường hợp nổi tiếng đầu tiên sử dụng FC là Anne McDonald, một phụ nữ mắc bại não không thể kiểm soát cơ thể. Crossley cho biết McDonald có thể giao tiếp bằng cách chỉ vào chữ cái trên bảng nam châm khi được bà cầm tay. Chỉ sau vài tuần, McDonald đã viết ra cả câu văn hoàn chỉnh, dù cô chưa từng được học hành chính quy.
Tuy nhiên, đồng nghiệp của Crossley nghi ngờ việc McDonald có thể viết ra những văn bản trôi chảy như vậy. Một bác sĩ nhi tại viện nơi cô sống đã yêu cầu kiểm tra lại kết quả trước khi chấp nhận phương pháp này. Sau đó, McDonald đã giao tiếp qua sự trợ giúp của Crossley, cáo buộc bác sĩ này cố giết cô – nhưng điều tra viên đã bác bỏ vì thiếu bằng chứng. Nhưng điều này đã khiến sự nghiệp của ông gần như tiêu tan.
Bản thân Crossley cũng từng băn khoăn: “Liệu có phải tôi vô thức điều khiển tay của cô ấy?” McDonald sau này rời viện và viết sách cùng Crossley, nhưng mẹ cô không bao giờ tin rằng con gái mình thật sự có khả năng giao tiếp.
Hậu quả pháp lý nghiêm trọng
FC đã gây ra nhiều vụ kiện liên quan đến cáo buộc sai, đặc biệt là các vụ lạm dụng tình dục. Anna Stubblefield, người bị kết tội tấn công tình dục một người đàn ông khuyết tật nặng. Cô tuyên bố FC đã giúp họ giao tiếp và có quan hệ “đồng thuận”, nhưng tòa án từ chối công nhận phương pháp này là bằng chứng khoa học hợp lệ.
Nguy cơ lớn hơn lợi ích?
Hơn 30 hiệp hội y tế trên thế giới, bao gồm Hội Tâm lý Hoa Kỳ và Hiệp hội Tự kỷ Quốc gia Anh, đều phản đối FC vì cho rằng đây là “giả khoa học” và có thể gây hại nghiêm trọng. Các chuyên gia cảnh báo rằng phương pháp này dễ bị lạm dụng, dẫn đến những cáo buộc sai lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến cả người khuyết tật lẫn người hỗ trợ.
Dù vấp phải nhiều chỉ trích, FC vẫn được sử dụng tại một số trung tâm khuyết tật ở Mỹ, Úc, châu Âu và châu Á. Lý do, theo giáo sư Howard Shane của Đại học Y Harvard, là nhiều gia đình “tin tưởng mãnh liệt rằng con họ có khả năng tiềm ẩn”.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chấp nhận con người thật của trẻ thay vì nuôi ảo tưởng về những điều mình muốn chúng trở thành.”
Xem thêm: Tinh thể 5D có thể đưa loài người trở lại sau hàng tỷ năm tuyệt chủng