“Khát” nhân sự IT ở Nhật – Vẫn chưa “đã” ở Việt Nam
Với khả năng thiếu hụt 789.000 lập trình viên trong tương lai gần, Nhật Bản đang đau đầu với bài toán nhân lực ngành CNTT. Thế nhưng, Việt Nam, một thị trường mới trong lĩnh vực cung cấp giải pháp phần mềm, có vẻ như vẫn chưa cung cấp đúng lời giải. Vậy nguyên nhân do đâu?
Nhật Bản – Đi tìm lời giải cho bài toán nhân lực ngành IT
Tại Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2018 (Japan ICT Day), Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, hiện nay, số lượng kỹ sư CNTT của Nhật Bản khoảng 920.000 người, thiếu 171.000 người so với nhu cầu và bắt đầu xu hướng giảm xuống. Con số này được dự báo có thể tăng lên mức 789.000 vào năm 2030.
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu cung cấp các giải pháp phần mềm, chuyện các công ty Nhật Bản thường tìm đến các thị trường khác trong khu vực chẳng có gì lạ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang vươn mình trở thành điểm đến sáng giá trong lĩnh vực tư vấn và xây dựng phần mềm cho các công ty Nhật Bản. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, doanh thu xuất khẩu phần mềm của Việt Nam tăng trung bình 15%/ năm, trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật chiếm tỉ trọng lớn.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết: “Nhật Bản xác định Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng để đầu tư. Hiện Nhật Bản đã đầu tư 54 dự án thuộc lĩnh vực CNTT, chiếm 19,6% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam và làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới”. Điều này cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng “giải” được cơn “khát” nhân lực ngành CNTT của Nhật Bản.
Nhưng Việt Nam vẫn chưa có lời giải đúng
Theo một báo cáo về thị trường IT Việt Nam của nền tảng tuyển dụng TopDev, trong năm 2021, Việt Nam cần khoảng 450.000 nhân lực trong ngành CNTT. Tuy nhiên, số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.
Câu chuyện thiếu nguồn nhân lực không chỉ dừng ở số lượng, mà còn nằm ở chất lượng. Hiện tại, Việt Nam đang có 149 trường đại học, 412 trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo về CNTT. Tuy nhiên, việc đào tạo tại các cơ sở này chủ yếu tập trung vào những ngành học: Kỹ thuật HTTT (Information Systems Engineering), Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering), Kỹ thuật hệ thống truyền thông (Communication System Engineering)…Với các ngành học mới, mang xu thế thời đại như phân tích dữ liệu lớn (Big Data), xây dựng hệ sinh thái di động, Blockchain; Deep Learning, AI,… chương trình đào tạo vẫn còn mang tính khởi đầu, chưa được chuẩn hóa. Chính vì vậy, tuy có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những nhu cầu phát triển mới của ngành CNTT.
Bên cạnh đó, theo Thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường nhưng không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kĩ năng làm việc nhóm và 80% lập trình viên phải được đào tạo lại. Điều này cho thấy, bên cạnh chương trình học còn nhiều thiếu sót, bản thân các sinh viên vẫn còn thiếu sự tìm tòi, định hướng bản thân trong những năm Đại học, dẫn đến tình trạng nhân lực ngành IT chỉ có số lượng, nhưng chất lượng chưa đảm bảo.
Đó là nhân lực trong ngành IT nói chung. Việc tìm kiếm nguồn nhân lực có chuyên môn ổn, kĩ năng mềm chắc và khả năng Nhật ngữ lưu loát phục vụ cho các dự án CNTT riêng cho thị trường Nhật Bản, đôi khi còn khó hơn cả hái sao trên trời.
Hiện tại, để tạm thời “thoả” cơn khát nhân sự, các công ty CNTT tại Việt Nam đang dần chuyển sang xu hướng thiết kế các khoá ngắn hạn, kéo dài từ 3 đến 6 tháng, nhằm đào tạo, bổ trợ thêm kiến thức những sinh viên mới ra trường còn non nớt kinh nghiệm. Với lộ trình bao gồm các kiến thức cập nhật về các ngôn ngữ lập trình, kèm với quy trình sản xuất phần mềm theo nguyên tắc Agile và sự cọ xát với các dự án thực tế, các lập trình viên trẻ sẽ được đào tạo và đánh giá kĩ lưỡng trước khi được tuyển dụng chính thức vào các công ty IT. Đây là biện pháp hiệu quả đang được nhiều công ty IT áp dụng, để phần nào, đáp ứng được bài toán nhân sự, phục vụ kịp tiến độ dự án ngày một nhiều.
Tuy nhiên, về lâu về dài, các vấn đề về chất lượng đào tạo cũng như khung chương trình dạy – học tại các cơ sở đào tạo CNTT cần phải dẫn được tháo gỡ, để Việt Nam phát triển với đúng tiềm lực của mình – là một thị trường cung cấp giải pháp phần mềm toàn thế giới nói chung và – thoả cơn khát nhân sự IT cho Nhật Bản nói riêng.