ITforDummies: Có gì trên một đường link web?
Ngày nào cũng truy cập Internet, ngày nào cũng lia lịa gõ link tới web. Nhưng bạn có biết đường link đến một trang web có những gì chưa?
#ITforDummies là chuỗi bài viết dành cho những người “nhập môn” IT, cung cấp kiến thức cho độc giả không chuyên về quy trình và công việc của các dự án công nghệ. Nhấp vào đây để đọc các bài viết về series này.
Domain
Domain, hay còn được gọi là tên miền, là địa chỉ trang web hoạt động trên Internet. Đây là chuỗi các kí tự mà người dùng nhập vào thanh tìm kiếm để truy cập một website nào đó. Domain có thể là chữ cái, có thể là số, được dùng để thay thế cho địa chỉ IP của máy chủ.
Máy tính thường sử dụng địa chỉ IP để dẫn đến máy chủ, chẳng hạn như 98.765.43.2, nhưng rõ ràng là dãy số này quá khó nhớ. Thế nên, tên miền dần được phát triển, để tiện lợi cho quá trình truy cập của người dùng.
Sub-domain
Là phần mở rộng của 1 domain, thường nằm trước domain và ngăn cách bằng dấu chấm. Sub domain, hay domain phụ, nằm tách biệt hoàn toàn ra khỏi domain chính.
Việc có thêm sub-domain có thêm nhiều lợi ích. Subdomain hoàn toàn miễn phí khi bạn đã đăng kí tên miền, do đó, dù không tốn kém chi phí, nhưng người ta vẫn có thể tạo thêm nhiều website dựa trên tên miền sẵn có dưới dạng subdomain.
Giao diện của Subdomain cũng có thể được tận dụng từ site domain chính mà không cần tốn kém thêm chi phí cho dịch vụ thiết kế website.
IP Address
IP, hay còn được gọi là Internet Protocol, là địa chỉ số có trên tất cả các thiết bị kết nối mạng để chia sẻ dữ liệu với nhau giao thức kết nối Internet. Mỗi thiết bị khi truy cập Internet đều được gắn 1 địa chỉ IP cụ thể và mỗi server cũng vậy.
Để dễ hình dung, IP tương tự như địa chỉ nhà riêng, nhằm giúp định danh người đang truy cập Internet. Điều này cũng dẫn đến một nhược điểm khác của IP: thông tin cá nhân của người dùng sẽ dễ bị khai thác trái phép nếu bị hacker xâm nhập.
Hiện nay, bạn có thể bắt gặp 4 loại hình IP thông dụng là IP Private, IP Public, IP Tĩnh và IP Động.
- IP Private: còn được gọi là IP nội bộ. IP nội bộ được sử dụng cho những máy tính thuộc một mạng nội bộ như mạng nhà trường, công ty hay tổ chức. Loại IP này được thiết lập thủ công hoặc do router thiết lập tự động.
- IP Public: như tên gọi của nó, đây là loại IP cộng đồng, đây là IP sử dụng trong mạng gia đình hoặc doanh nghiệp để kết nối Internet.
- IP tĩnh (Static IP): Đây là IP được cấu hình thủ công cho thiết bị, không thay đổi theo thời gian, do nhà cung cấp dịch vụ Internet định danh và thường được dùng cho doanh nghiệp để nhiều người có thể truy cập.
- IP động (Dynamic IP): Đây là IP được gán tự động cho từng kết nối hoặc node của mạng. IP động được tự động thay đổi định kì, do máy chủ DHCP của nhà cung cấp dịch vụ Internet cấp phát tự động cho modem (đặt tại gia đình hay cơ quan) khi kết nối vào mạng. Ví dụ, nếu bạn bật máy tính ở nhà rồi vào whatismyipaddress.com sẽ thấy địa chỉ IP của bạn là A. Tiếp đó, nếu tắt/ bật modem rồi vào lại, sẽ thấy địa chỉ IP của bạn không còn là A nữa.
Top Level Domain
Top Level Domain (TLD) còn được gọi là tên miền cao cấp nhất. Nó là phần mở rộng nằm tại vị trí cuối cùng của một đường link, đứng ngay sau dấu chấm. Một số ví dụ thường thấy của TLD là .vn, .com, .org,…
Định dạng của TLD cũng có những quy tắc nhất định, có thể chia làm 3 nhóm như sau:
-
gTLD (Tên miền cao cấp nhất dùng chung): Đây là những tên miền được sử dụng nhiều nhất và dễ dàng đăng ký. Tuy là tên gọi dùng chung, nhưng qua các LTD này, bạn vẫn có thể biết được ít nhiều về trang web mình đang truy cập.
-
sTLD (Tên miền cao cấp nhất được tài trợ): Nhóm tên miền này được chính phủ hay các nhóm doanh nghiệp tài trợ và quản lý. Hiểu đơn giản hơn thì các miền cao cấp được tài trợ này (.gov, .edu, .museum) là tên miền của tổ chức cá nhân, bị hạn chế và sẽ được chỉ định nếu chúng đáp ứng được nguyên tắc nhất định.
- ccTLD (tên miền cao cấp nhất theo mã quốc gia): Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có tên miền cấp cao riêng biệt theo mã quốc gia bao gồm hai ký tự. Một số những tên miền ccTLD có thể kể đến như .us của Mỹ, .vn của Việt Nam, .mx của Mexico,…