iMac chạm mốc 25 năm: Nhìn lại lịch sử về dòng máy tính “all-in-one” mang tính biểu tượng của Apple
Vào ngày 15/08/1998, chiếc iMac đầu tiên chính thức xuất hiện trên các kệ cửa hàng. Trong 25 năm kể từ đó, iMac đã trở thành một sản phẩm cốt lõi của Apple. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm của iMac, hãy cùng Techie nhìn lại lịch sử, ảnh hưởng và tương lai của dòng sản phẩm này!
Apple và dòng máy tính “all-in-one”
Máy tính “all-in-one” – “tất cả trong một” được thiết kế nguyên khối với màn hình, CPU, RAM, bộ nhớ và loa thành một cỗ máy duy nhất. Nó được người dùng ưa chuộng bởi sự nhỏ gọn và cấu hình mạnh.
Ngày nay, dòng máy tính iMac đã gắn liền với tên tuổi của Apple. Tuy nhiên thực chất, HP (Hewlett-Packard) mới là công ty tiên phong về mẫu máy này với chiếc máy tính HP 9830 được giới thiệu vào đầu những năm 1970.
Bất chấp nguồn gốc ban đầu, Apple mới là công ty định nghĩa sự thành công của máy tính “all-in-one. Bắt đầu từ năm 1998 với sự ra mắt của chiếc iMac sặc sỡ màu sắc, thiết kế của nó đã không ngừng “tiến hóa” để trở thành một sản phẩm có đường nét thanh lịch, tinh tế ở hiện tại.
Theo đánh giá của chuyên trang công nghệ The Verge, “iMac vẫn là máy tính all-in-one tốt nhất hiện có”. Dưới đây là loạt sản phẩm đã làm nên tên tuổi của iMac:
iMac G3 CRT (1998)
Năm 1997, Steve Jobs trở lại Apple với vị trí CEO. Lúc này, ông đã hợp tác với nhà thiết kế chính của công ty là Jony Ive để tạo ra chiếc máy iMac G3 với vẻ ngoài “bầu bĩnh”. Với thiết kế trong suốt, để lộ bộ điện tử phía dưới, iMac G3 là xu hướng thiết kế thời điểm đó. Sản phẩm đã nhanh chóng gây sự chú ý và giúp Apple có lợi nhuận sau thời gian thua lỗ.
Một điểm bất ngờ với nhiều người là iMac G3 không được trang bị ổ đĩa mềm như các dòng máy tính đương thời, mà thay vào đó là CD-ROM. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy sự “think different” của Aplle. Năm 1999, phiên bản mới có tích hợp thêm cổng USB, biến nó trở thành một thành một trong những sản phẩm máy tính tiêu dùng đầu tiên sử dụng tiêu chuẩn USB mới.
iMac G4 Flat Panel (2002)
Đúng với tên gọi “Flat Panel”, thiết kế iMac tiếp theo là một sự tiến hóa ngoạn mục khi chuyển từ màn hình CRT cồng kềnh sang màn hình phẳng. Ban đầu, Apple gọi sản phẩm là “iMac mới”, nhưng sau đó nó được gọi bằng cái tên đơn giản hơn là iMac G4 vìsử dụng bộ xử lý PowerPC G4.
Thế hệ iMac này thực sự nổi tiếng bởi việc trông giống như một chiếc đèn bàn hiện đại. Và nó cũng được thiết kế với màu trắng – tương tự như thiết bị iPod gốc được Apple giới thiệu vào cuối năm 2001.
Vào cuối năm 2002, iMac G4 không còn được cài đặt Mac OS 9, đánh dấu sự kết thúc hệ điều hành Mac cổ điển để chuyển qua hệ điều hành Mac OS X.
iMac G5 (2004) và iMac intel white (2006)
iMac G5 đã định hướng thiết kế cho các thế hệ iMac sau này với kiểu dáng hiện đại và khuôn viền màu trắng. Sản phẩm được tích hợp thẻ AirPort tùy chọn để kết nối Wi-Fi. Vào năm 2005, Apple đã thêm cảm biến ánh sáng môi trường để màn hình có thể tự động điều chỉnh độ sáng tùy thuộc vào điều kiện trong phòng.
Đến năm 2006, iMac tiếp tục nâng cấp với dòng Intel white sử dụng bộ vi sử lý Intel. Về thiết kế, sản phẩm gần tương tự với dòng iMac G5 nhưng đã bao gồm cổng Mini-DVI mới để hỗ trợ màn hình ngoài độ phân giải cao. Sau iMac Intel màu trắng, Apple bắt đầu đi theo một hướng vật liệu hoàn toàn khác. Đây cũng là mẫu cuối cùng có bàn phím màu trắng bằng nhựa của Apple.
iMac 24-inch and iMac 20-inch aluminum frame (2007)
Đây là thời kỳ mà Apple bắt đầu trưng dụng chất liệu nhôm. Thiết kế của mẫu iMac 20 và 24 inch trong thời kỳ này có màn hình LCD bóng bẩy được bao phủ bởi một lớp kính từ và khung nhôm. Nhiều tính năng cao cấp của dòng iMac màu trắng bây giờ đã trở thành tiêu chuẩn, bao gồm cổng FireWire 800, ổ SuperDrive DVD lớp kép và AirPort Extreme với Wireless N.
Ngoài ra, Apple cũng đã tạo ra thiết kế bàn phím nhôm hoàn toàn mới với các phím chiclet màu trắng để phù hợp với iMac cũng như phiên bản không dây sử dụng pin AA.
iMac 27-inch và iMac 21.5-inch aluminum block (2009)
Các mẫu iMac nhôm lúc này đã có thêm bước tiến mới với màn hình lớn và độ phân giải cao hơn. Sản phẩm chạy trên bộ xử lý Intel Core i5 và i7 nhanh hơn, nhiều RAM hơn, nhiều kết nối hơn, nhiều cấu hình hơn và có khả năng nâng cấp hơn bao giờ hết. Với màn hình rộng, mẫu iMac 21.5 inch có độ phân giải 1080p, trong khi mẫu 27 inch lớn nhất từng có độ phân giải 1440p. Ngoài ra, bản 2010 đã có tùy chọn SSD thay vì ổ HDD.
iMac 27-inch và iMac 21.5-inch slim aluminum (2012)
Về mặt thiết kế, những mẫu iMac nhôm giai đoạn này đã trở nên mỏng và nhẹ hơn đáng kể. Chúng cũng có bộ xử lý tốt hơn và có thêm tùy chọn ổ đĩa cứng HDD và SSD kết hợp “Fusion Drive” để lưu trữ nhanh với chi phí hiệu quả. Và vì thế, thế hệ iMac này đã mất đi ổ đĩa siêu mỏng SuperDrive và thiết kế trở nên khó sửa chữa hơn.
Việc sử dụng kính nhiều lớp (laminated glass) khiến màn hình trở nên sống động hơn. Song điều đó cũng làm cho việc thay thế màn hình trở nên đắt đỏ hơn.
iMac Retina 5K 27-inch (2014) và iMac Retina 4K 21.5-inch (2015)
Màn hình Retina với độ phân giải lên đến 5K đã chính thức có trên Imac. Sản phẩm thu hút sự chú ý của những người làm đồ họa và nghiếp ảnh bởi Apple đã tăng cường khả năng đồ họa với các thẻ AMD Radeon R9, sau đó là các tùy chọn Radeon Pro, Vega và kiến trúc RDNA. Đáng chú ý, Apple đã từ bỏ đồ họa Nvidia bắt đầu từ dòng sản phẩm này. Các phiên bản sau đó được tích hợp cổng Thunderbolt 3 USB-C.
Đây cũng là các mẫu iMac cuối cùng của Apple tích hợp bộ xử lý Intel Core, với thế hệ Comet Lake 10.
iMac 24-inch M1 (2021)
Từ năm 2012, Apple đã quay lại với thiết kế đa dạng màu sức hơn với 7 màu tùy chọn (bạc, hồng, xanh dương, xanh lá cây, tím, cam và vàng). Đây là thế hệ iMac đầu tiên tích hợp bộ chip M do chính Apple phát triển. Đây cũng là mẫu iMac mỏng nhất của Apple và không còn biểu trưng của Apple được in trên mặt trước như tất cả các mẫu trước đó.
Tính đến hiện tại, thiết bị vẫn chưa được Apple cập nhật với bộ vi xử lý mới hơn là M2. Tuy nhiên, tin đồn cho biết phiên bản M3 có thể đang trong kế hoạch phát triển.
Với sự thống trị của dòng máy tính xác tay Macbook, máy tính để bàn của Apple ngày càng trở nên ít hấp dẫn hơn. Mặc dù vậy, nó vẫn là dòng sản phẩm mang tính “biểu tượng” của nhà Táo và là thiết bị hiện diện trên bàn làm việc của không ít người dùng công nghệ.
>>Xem thêm: Người dùng có thể thanh toán bằng lòng bàn tay bằng công nghệ Amazone one