Hội chứng FOMO: khi mạng xã hội chi phối ham muốn
Hội chứng FOMO (Fear of Missing Out: nỗi sợ bị bỏ lỡ) xuất phát từ tư duy sai lệch về trải nghiệm cuộc sống. Theo một nghiên cứu năm 2021, khoảng 56% người dùng mạng xã hội bị ảnh hưởng với FOMO. Đôi khi, nỗi sợ bỏ lỡ một số thứ sẽ làm chúng ta mất tập trung vào những điều quan trọng hơn. Tại sao chúng ta FOMO? Và làm thế nào để thoát khỏi nỗi sợ vô hình đó? Cùng Techie tìm hiểu nhé!
Hội chứng FOMO là gì?
FOMO là thuật ngữ mô tả cảm giác sợ bị bỏ lỡ với những trải nghiệm, sự kiện hoặc cơ hội quan trọng.
Hãy thử tưởng tượng, đó là một buổi tối thứ 7, bạn đang tận hưởng ngày nghỉ của mình bằng cách nằm dài trên ghế sofa ăn snack và lướt điện thoại. Tâm trạng của bạn đang vô cùng thoải mái, cho đến khi bạn nhìn thấy những bức hình đi chơi của đám bạn được up lên Facebook. Nhìn thấy bạn bè tham gia vào một bữa tiệc có-vẻ-hấp-dẫn-và-thú-vị, bạn bỗng có cảm giác bất an và lo lắng rằng mình đã bỏ lỡ điều gì đó quan trọng. Vậy thì khả năng cao, bạn đã FOMO!
Tại sao chúng ta FOMO?
FOMO vốn dĩ là cảm giác thuộc về bản năng. Từ thời xa xưa, khi con người sống theo bầy đàn, nếu có cá nhân nào tách khỏi nhóm của mình, khả năng cao anh ta sẽ bị chết đói hoặc thú dữ ăn thịt. Cho nên, việc “chạy theo người khác” vốn là một hành vi mang bản năng sinh tồn của loài người. FOMO luôn tồn tại và ít nhiều ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta.
Thời đại mạng xã hội rất dễ có những ảnh hưởng khiến chúng ta “bật” bản năng FOMO của mình. Nó có thể đến từ những lý do như:
- Sự so sánh xã hội: khi thấy người khác thành công hơn, có những trải nghiệm đáng giá hơn, chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với họ. Điều này dẫn đến cảm giác bị bỏ lại phía sau.
- Áp lực xã hội: xã hội đặt áp lực lên chúng ta thông qua các thông điệp rằng để có một cuộc sống hạnh phúc và thành công, chúng ta cần tham gia vào những hoạt động, sự kiện quan trọng hoặc có những trải nghiệm độc đáo. Chúng ta có thể sợ rằng bỏ qua những cơ hội này sẽ khiến chúng ta trở nên khác biệt hoặc thiếu sót so với những người khác.
- Cảm giác mất kiểm soát và lo lắng: khi chúng ta không biết rõ những gì đang diễn ra hoặc không được tham gia vào những hoạt động xã hội, chúng ta có thể cảm thấy bất an và lo lắng vì không có khả năng kiểm soát hoặc tham gia vào quyết định.
Sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra một lượng lớn thông tin và cơ hội tiếp xúc với những trải nghiệm của người khác. Chúng ta có thể dễ dàng bị cuốn vào việc theo dõi và so sánh cuộc sống của người khác với bản thân mình.
Làm sao biết bản thân đang FOMO?
Để đo lường mức độ FOMO, chuyên gia tâm lý Andrew Przybylsk và các cộng sự đã phát triển một thang đo FOMO. Thang đo này gồm 10 câu khẳng định, người tham gia có thể tự chấm điểm cho bản thân mình từ 1 (hoàn toàn không đúng với tôi) đến 5 (hoàn toàn đúng với tôi).
10 câu đó là:
- Tôi sợ người khác có được những trải nghiệm đáng giá hơn mình.
- Tôi sợ bạn bè của tôi có được những trải nghiệm đáng nhớ hơn tôi.
- Tôi cảm thấy bồn chồn khi biết bạn bè đang vui chơi mà không có tôi.
- Tôi lo lắng khi không biết bạn mình đã phát triển tới mức độ nào.
- Việc hiểu được “insider joke” của nhóm bạn thân là rất quan trọng.
- Đôi lúc, tôi tự hỏi mình có đang dành quá nhiều thời gian để cập nhật nhữngd diều đang diễn ra không.
- Tôi cảm thấy phiền lòng khi lỡ mất dịp hẹn với bạn bè.
- Khi đang tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ, việc chia sẽ lên mạng xã hội với tôi là rất quan trọng.
- Khi bỏ lỡ một buổi tụ họp đã được lên kế hoạch từ trước, tôi cảm thấy phiền lòng.
- Khi đang đi du lịch, tôi vẫn liên tục theo dõi mạng xã hội để biết bạn bè đang làm gì.
Điểm càng cao, tình trạng FOMO của bạn càng đáng lo ngại rồi đấy!
Hội chứng FOMO có nguy hiểm không?
Mặc dù FOMO xuất phát từ cảm giác bản năng của con người, nhưng nó cũng được nhìn nhận như một căn bệnh tâm lý. Việc luôn mang tâm trạng lo lắng và nỗi sợ bị bỏ lỡ có thể dẫn việc mất tập trung, giảm hiệu suất công việc và các hoạt động quan trọng khác. Ở cấp độ nặng hơn, FOMO khiến bạn dần rời xa thực tế và mục tiêu của bản thân, để sống trong lo lắng, ganh tị và bất an với sự thành công của người khác.
Mặt khác, cảm giác “mình không đủ tốt” và thiếu tự tin có thể khiến chúng ta bị tụt lại so với những người xung quanh. Những điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như chứng trầm cảm.
Vậy làm thế nào để thoát khỏi FOMO?
Không ai muốn sống một cuộc đời luôn bất an, lo lắng hay phải chạy theo những thú vui của người khác. Đó là lý do chúng ta cần đối diện với hội chứng FOMO.
Hãy lựa chọn điều bạn thật sự muốn
Mỗi người đều có những mối ưu tiên, những mục tiêu sống khác nhau. Hãy sắp xếp các vấn đề của bản thân theo thứ tự ưu tiên và tập trung vào đó, thay vì bị phân tâm bởi cuộc sống của người khác. Mỗi khi đứng trước cảm giác sợ bị bỏ lỡ điều gì đó, hãy tự hỏi bản thân: mình có thật sự muốn điều này không?
Hạn chế dùng mạng xã hội
Nói vui là “Mắt không thấy tim sẽ không đau”. Nếu bạn không thể kiểm soát cảm giảm sợ bỏ lỡ hay sự so sánh bản thân, hãy giảm tần suất sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Điều này cũng sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn cho bản thân để tận hưởng cuộc sống của riêng mình.
Một số “thủ thuật” công nghệ giúp bạn thoát FOMO
- Các ứng dụng giúp thiền định hoặc tăng sự tập trung
Có một số app được phát triển để giúp người dùng tập trung và tránh các yếu tố gây phân tâm như mạng xã hội. Đơn cử như Forest. Ứng dụng này cho phép bạn đặt mục tiêu thời gian tập trung và ứng dụng sẽ trồng cây ảo cho đến khi bạn hoàn thành mục tiêu đó. Nếu bạn rời khỏi ứng dụng để sử dụng mạng xã hội, cây sẽ chết. Điều này giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của việc tập trung vào công việc hiện tại và không bị lôi cuốn vào FOMO.
- Các ứng dụng quản lý thời gian
Sử dụng ứng dụng lịch như Google Calendar hoặc Todoist để quản lý công việc và thời gian của bạn. Bằng cách có kế hoạch rõ ràng và theo dõi các nhiệm vụ, bạn có thể giảm FOMO khi tập trung vào các hoạt động quan trọng.
- Theo dõi nội dung một cách có chọn lọc
Thay vì follow hàng loạt những influencer để xem người ta đi đâu, làm gì, chúng ta hoàn toàn có thể chọn lọc nội dung có ý nghĩa tích cực hơn trên mạng xã hội. Chẳng hạn, các fanpage, group về học tập, phát triển bản thân. Hoặc các trang mạng xã hội về video thú cưng, hình ảnh động vật… Bởi, theo nghiên cứu, việc tiếp xúc với thiên nhiên và động vật có thể làm giảm stress, tăng cường tâm trạng tích cực và làm giảm áp lực hàng ngày.
Suy cho cùng, mỗi người đều sống một cuộc đời khác nhau. Niềm vui, thành công của người này không nên là thước đo cho người khác. Tập trung vào giá trị và mục tiêu của bản thân không chỉ giúp chúng ta vượt qua được hội chứng FOMO mà còn giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
>>Xem thêm: 6 cách các nền tảng mua sắm “móc túi” người tiêu dùng và bí kíp để không mắc bẫy!