Giải mã Trend-Z: Greenwashing – cú lừa dành cho người tiêu dùng
Không phải lúc nào những sản phẩm được quảng cáo là “xanh” cũng thật sự thân thiện với môi trường. Đó chính là vấn đề của Greenwashing – khi các doanh nghiệp truyền tải thông tin sai lệch về tác động của sản phẩm công ty họ đến môi trường. Nói cách khác, Greenwashing là cách mà một số công ty gắn mác cho sản phẩm của họ, mang lại hình ảnh thân thiện đến môi trường một cách vô căn cứ. Vậy làm thế nào để người tiêu dùng có thể phát hiện Greenwashing? Hãy cùng Techie tìm hiểu để bảo vệ sức khỏe và môi trường chúng ta.
Greenwashing là gì?
Greenwashing là một thuật ngữ miêu tả việc các công ty quảng cáo thông tin sai lệch về mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm, dịch vụ của một công ty. Thông thường, các công ty sẽ sử dụng các nhãn dán, chiêu thức quảng cáo để đánh lừa hoặc che dấu thông tin thật là sản phẩm với người tiêu dùng. Từ đó, tạo dựng hình ảnh tích cực về công ty và thu hút người tiêu dùng bỏ tiền cho sản phẩm.
Greenwashing được xem như là một hành động lừa đảo và vô đạo đức bởi vì nó đánh lừa các nhà đầu tư và người tiêu dùng – những người thực sự muốn chi tiền cho các công ty hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Thường thì, các sản phẩm xanh có thể được bán với giá cao hơn, dẫn đến việc người tiêu dùng trả giá quá cao nhưng vẫn không mang lại được lợi ích cho môi trường. Nếu việc công ty cố tình greenwashing bị phát hiện, nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của một công ty.
Những thủ thuật Greenwashing thường thấy
- Tuyên bố không có minh chứng: Các công ty đưa ra tuyên bố về tính thân thiện với môi trường của sản phẩm mà không cung cấp bằng chứng rõ ràng để chứng minh những tuyên bố đó.
- Sử dụng các cụm từ vô nghĩa: Các công ty sử dụng các từ ngữ vô nghĩa và không rõ ràng như “More Green”, “sustainable”, “better for planet” hay “natural” để miêu tả sản phẩm của họ mà không cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào để giải thích ý nghĩa của các từ ngữ đó.
- Thiết kế bao bì và biểu tượng xanh: Các công ty sử dụng hình ảnh và biểu tượng xanh để tạo ra ấn tượng rằng sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường, mặc dù thực tế sản phẩm đó có thể không có bất kỳ lợi ích môi trường nào.
- Tuyên bố giảm thiểu carbon: Các công ty tuyên bố giảm thiểu carbon của sản phẩm mà không đề cập đến các vấn đề môi trường khác liên quan đến sản phẩm đó.
- Chạy theo phong trào: Các công ty tuyên bố sản phẩm của họ là một phần của phong trào thân thiện với môi trường mà không cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào về cách sản phẩm đó đóng góp vào phong trào đó.
Lúc này, người tiêu dùng phải tự thân kiểm tra thành phần của sản phẩm hoặc tìm kiếm các bài báo nghiên cứu bởi bên thứ ba (viện nghiên cứu, các trang tin uy tín,…). Những sản phẩm thật sự an toàn với môi trường thường được chứng nhận bởi một tổ chức kiểm định uy tín, và sẽ được đánh dấu rõ ràng.
Mặt trái của Pin năng lượng mặt trời
Tuy pin năng lượng mặt trời hoàn toàn không độc hại cho người dùng khi sử dụng nhưng quá trình để sản xuất ra những tấm pin và quá trình xử lý tấm pin hết hạn lại có ảnh hưởng đến môi trường và con người.
Cụ thể, khi sản xuất pin mặt trời từ nguyên liệu ban đầu là thạch anh, chất này được xử lý nhiệt để tinh chế thành silic tinh khiết, ở bước sẽ này thải ra một lượng CO2 và SO2. Tiếp theo, silicon được tinh chế thêm bằng hóa chất (axit clohydric HCl) để tạo ra các khối silicon đa tinh thể và chất thải là SiCl4. Nếu SiCl4 không được tái sử dụng mà thải ra môi trường sẽ gây ra hiện tượng chua hóa đất và nguồn nước. Không những thế, trong tấm pin năng lượng mặt trời còn có chứa chì, cadmium, crom và một số chất độc hại khác nên không thể đốt hay chôn xuống đất.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), đến năm 2050, số lượng rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời có thể lên đến 78 triệu tấn. Năm 2016, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đều chưa có giải pháp đầy đủ để giải quyết vấn đề rác thải tấm pin điện mặt trời. Tại Nhật Bản, Bộ Môi trường đã cảnh báo rằng đến năm 2040, đất nước này có thể sản xuất từ 10.000 đến 800.000 tấn tấm pin mặt trời mỗi năm và khối lượng chất thải từ các tấm pin mặt trời vào năm 2034 sẽ gấp 70-80 lần so với năm 2020. Tương tự, Trung Quốc có số lượng tấm pin mặt trời gấp đôi so với Mỹ và dự kiến sẽ thải ra 20 triệu tấn chất thải từ các tấm pin mặt trời vào năm 2050, gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc vẫn chưa có kế hoạch xử lý các tấm pin mặt trời sẽ hết hạn vào 20-30 năm tới.
Cú lừa lớn nhất: Cốc nhựa vs Cốc giấy
Có bao giờ bạn chọn mua nước uống từ một quán nào đó sử dụng cốc giấy chỉ vì bạn nghĩ đó là cách đơn giản nhất để bảo vệ môi trường chưa? Thật ra chẳng bảo vệ môi trường không đơn giản như vậy. Theo PGS.TS Lê Quang Diễn – Viện kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội: “Cốc giấy hiện nay thường thì bên trong có phủ một lớp polyethylene hoặc polymer hữu cơ để tránh thấm nước, thấm chất lỏng vào thành cốc. Rõ ràng có thể thấy polyethylene để có thể phân hủy sinh học được thì mất cả trăm năm”.
Dù được cấu thành chủ yếu từ giấy, nhưng do được tráng một lớp nhựa polyethylene, cốc giấy không có khả năng phân hủy hoàn toàn. Theo thông tin từ các nhà phân phối, thị trường Việt Nam gần như chỉ lưu hành loại cốc giấy phủ polyethylene này. Hơn nữa, việc tái chế triệt để một vật liệu vừa cứng, vừa dai như cốc giấy cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê năm 2018 của tổ chức Earth Day Network, mỗi năm có đến 16 tỷ chiếc cốc giấy được sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1% số đó được tái chế. Số còn lại bị mắc kẹt trong những bãi rác, thậm chí bị chôn vùi vào đất hoặc lưu lạc trong các nguồn nước, góp phần vào nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Ở Việt Nam, chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào về số lượng cốc giấy được tái chế, cũng như số lượng các cơ sở đạt chuẩn nhận tái chế cốc giấy.
Vậy giải pháp là gì?
Theo nghiên cứu năm 2022 của The Guardian, hầu hết những loại nhựa được quảng cáo là có thể tự phân hủy sinh học thực tế không hữu ích, với tới 60% không phân hủy sau 6 tháng.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết người dân đều bối rối với vô số nhãn dán trên sản phẩm. Họ còn không biết cách xác định sản phẩm thuộc loại tái chế nào và cách xử lý rách thải sao cho phù hợp. Nhưng vẫn có đến 85% người tiêu dùng hào hứng mua những sản phẩm được dán nhãn “Xanh” và tốt cho môi trường.
Ước tính chỉ có khoảng 10% số người dùng biết cách phân loại nhựa để quá trình phân hủy sinh học được diễn ra, nhưng đối với 90% còn lại của dân số, họ sẽ vức bỏ các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học vào thùng rác. Tại đây các loại nhựa sinh học sẽ phân hủy chậm, giải phóng ra khí methane. Nếu nhựa phân hủy sinh học kết hợp với thức ăn thừa, nó sẽ gây ô nhiễm và ngăn chặn quá trình tái chế. Vì vậy, giải pháp duy nhất để bảo vệ môi trường là sử dụng ít nhựa hơn bằng cách hạn chế tất cả đồ dùng 1 lần, sử dụng cốc/hộp mang sẵn theo, chứ không nên dựa vào bất kì công nghệ “tự phân huỷ” nào cả.
Xem thêm: Giải mã Trend-Z: De-influencing là gì mà nổi bần bật trên TikTok