Giải mã Trend-Z: De-influencing là gì mà nổi bần bật trên TikTok
Sau nhiều năm trao quyền ảnh hưởng cho những beauty – food reviewer không có tâm. Trend De-influencing xuất hiện để giúp người dùng nhận ra sự thật trần trụi của ngành influencer marketing. Cũng như giúp người dùng suy nghĩ lại thói quen tiêu dùng của bản thân. Cùng khám phá trend mới cùng Techie nhé!
De-influencing là gì?
De-influencing chính là xu hướng TikTok mới nhất, liên quan đến việc người dùng và content creator chia sẻ những sản phẩm họ không thích và đề xuất các lựa chọn thay thế. Đây là một hành vi khác thường của content creator – những người thường rất cẩn trọng khi đưa ra những đánh giá tiêu cực về sản phẩm vì sợ làm mất lòng các đối tác thương hiệu cũng như nhà tài trợ tiềm năng.
Thoạt nhìn, trend De-influencing giống như là một “cú tát” đối với ngành Influencer marketing, và góp phần củng cố lại nền móng cho các nhà sáng tạo nội dung bằng sự chân thành và trung thực.
Tại sao cư dân mạng lại ủng hộ De-influencing?
Valeria Fride, một nhà sáng tạo nội dung mới nổi trên TikTok, có hơn 15.000 follower với các video trang điểm và hướng dẫn mua quà tặng vào các dịp lễ. Tuy nhiên, trong video thành công nhất của cô, Valeria đã sử dụng phương pháp De-influencing để nói về các sản phẩm hay được khen trên TikTok như dầu gội Olaplex và phấn má Dior Backstage. Cô đã nói rằng những sản phẩm này chẳng đáng tiền và cũng không gây ấn tượng với cô. Kết quả là video đã thu hút được 1,3 triệu lượt xem. Điều này chứng tỏ người xem đã rất thích thú với tính trung thực và mới mẻ của Valeria.
Có nhiều cách để đu trend De-influence, trong đó nhiều người đã chọn cách “mách” những người follow không mua một sản phẩm nào đó và đề xuất một sản phẩm thay thế. Một số người khác lại thẳng thắng hơn khi mạnh tay ném các sản phẩm họ đã thử nhưng không thích vào sọt rác, cùng lúc gọi những công ty tạo ra các sản phẩm đó là dối lừa và mua quảng cáo. Một vài người có cái nhìn tổng quát hơn và lên tiếng phản đối văn hóa tiêu dùng thừa thải đang thống trị trên TikTok. Hệ luỵ của văn hoá “không thể không mua” hay “tôi sẽ không sống được nếu thiếu sản phẩm này” chính là sự thừa thải và có thể gây ra nợ nần do thế hệ trẻ.
Liều thuốc giải độc cho các bạn trẻ
Thông thường, tỷ lệ đánh giá tiêu cực trên các trang mạng xã hội thường sẽ được chú ý nhiều hơn so với các đánh giá tích cực. Nhiều reviewer thường do sợ làm mất lòng thương hiệu hoặc các đối tác nên không muốn nói về các sản phẩm mà họ không thích.
Mặc dù có rất nhiều review có tâm và tạo dựng được lòng tin với người xem, nhưng cũng không thiếu những reviewer chạy theo doanh số, bất chấp chất lượng của sản phẩm có thật sự tốt hay không. Trên Tiktok hiện tại có quá nhiều bài đánh giá quá đà khiến người dùng – nhất là các bạn trẻ bị nhồi nhét bởi suy nghĩ “nếu không dùng thì xấu” “không mua thì sẽ lỗi thời. Từ đó tạo ra thói quen tiêu dùng không lành mạnh.
Drama của Beauty reviewer nổi tiếng Mikayla Nogueira đã làm làn sóng De-influencing trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cô đã bị bóc mẽ là đeo mi giả trong một video quảng cáo mascara cho L’Oréal. Cộng đồng Tiktok đã phản ứng dữ dội với lý dó “Dù có gần 15 triệu người theo dõi nhưng Mikayla lại chọn tiền của nhãn hàng hơn là người xem”.
Tóm lại, trong thời kỳ cạnh tranh về thương hiệu ngày càng tăng và ngân sách quảng cáo bị bóp chặt một cách gay gắt, những reviewer và influencer vẫn có thể thành công nếu biết ưu tiên tính trung thực và sự thật thà. Theo Techie, nếu các reviewer xây dựng hình ảnh như vậy, họ có thể xây dựng một tệp khán giả trung thành và tương tác tích cực với kênh.
Xem thêm: TikTok đã bắt đầu chặn các liên kết đến App Store trong Bio của người sáng tạo