Fullstack là gì? Làm thế nào để trở thành lập trình viên fullstack?
Fullstack Development đang trở thành một xu hướng quan trọng trong lĩnh vực phát triển phần mềm hiện nay. Nhiều công ty công nghệ cũng đang có xu hướng chiêu mộ lập trình viên fullstack. Vậy fullstack là gì? Làm thế nào để trở thành lập trình viên fullstack? Hãy cùng tìm câu trả lời qua nội dung sau đây của Techie nhé!
Fullstack là gì?
Fullstack (hay còn gọi là Fullstack Development) là thuật ngữ được dùng trong lĩnh vực phát triển phần mềm để chỉ một người lập trình có khả năng làm việc trên cả phía Front end và Back end của ứng dụng web.
Phía Front end là phần mà người dùng cuối tương tác trực tiếp. Đòi hỏi người làm fullstack phải có kỹ năng để xây dựng giao diện người dùng hấp dẫn. Trong khi đó, phía Back end là phần xử lý logic và lưu trữ dữ liệu của ứng dụng web. Người làm Fullstack cần có kiến thức và kỹ năng để xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, xử lý yêu cầu từ phía client và cung cấp dữ liệu cho phía frontend.
Với khả năng làm việc trên cả frontend và backend, Fullstack developer có khả năng tham gia vào toàn bộ quy trình phát triển phần mềm, từ thiết kế giao diện người dùng, phát triển logic ứng dụng, tạo cơ sở dữ liệu, triển khai và quản lý ứng dụng.
Ưu – Nhược điểm khi làm fullstack là gì?
Sau khi tìm hiểu khái niệm fullstack là gì, hãy cùng phân tích ưu điểm và nhược điểm của lập trình viên fullstack:
Ưu điểm khi làm fullstack là gì?
- Tính toàn diện
Lập trình viên fullstack có khả năng làm việc trên cả Front end và Back end. Điều này giúp họ có cái nhìn tổng quan về quy trình phát triển phần mềm. Họ cũng có thể tham gia vào các giai đoạn khác nhau của dự án, có khả năng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau.
- Tính linh hoạt
Fullstack developer có khả năng làm việc với nhiều công nghệ và ngôn ngữ khác nhau. Điều này giúp họ thích ứng nhanh chóng với các yêu cầu và xu hướng mới, cũng như chuyển đổi giữa các dự án một cách linh hoạt.
- Tối ưu hiệu suất
Với khả năng làm việc ở cả phía frontend và backend, lập trình viên fullstack có thể tương tác trực tiếp với các thành viên khác trong nhóm, giúp tăng tính hiệu suất và cải thiện sự hợp tác trong dự án.
- Tiết kiệm chi phí
Đây là lợi ích về phía doanh nghiệp. Việc sử dụng fullstack developer có thể tiết kiệm chi phí đáng kể so với việc thuê nhiều lập trình viên để thực hiện nhiều tác vụ khác nhau. Điều này không có nghĩa là fullstack developer làm hết tác vụ trong dự án, nhưng nó vẫn là một phương án tối ưu hóa khi sử dụng nhân sự hơn. Và vì vậy, mức lương chi trả cho fullstack cũng cao hơn.
Nhược điểm của fullstack developer là gì?
- Thiếu tính chuyên môn hóa
Với việc đảm nhận cả frontend và backend, lập trình viên fullstack khó có thể sở hữu sự chuyên sâu tương đương với một người lập trình chuyên môn trong một phần cụ thể.
- Không phù hợp cho dự án lớn và phức tạp
Đối với dự án có sự phức tạp và yêu cầu chuyên sâu, tính chuyên môn hóa có thể đem đến hiệu quả cao hơn. Vì thế, người ta sẽ có xu hướng sử dụng các kỹ sư Front end hoặc Back end chuyên biệt.
- Đòi hỏi sự nỗ lực lớn
Để trở thành một fullstack developer chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần cần học và nắm vững nhiều ngôn ngữ, công nghệ khác nhau ở cả 2 phía Front end hoặc Back end. Mà đồng thời, còn phải theo kịp sự phát triển của chúng.
Vậy, các kỹ năng cần có của lập trình viên Fullstack là gì?
Để trở thành một lập trình viên Fullstack thành công, bạn cần phải có một số kỹ năng và kiến thức cơ bản trong cả phía frontend và backend. Dưới đây là một danh sách các kỹ năng và kiến thức quan trọng:
Frontend Development
- HTML, CSS và JavaScript: Kiến thức về các ngôn ngữ cơ bản để xây dựng giao diện người dùng và tương tác trên trình duyệt.
- Frameworks: Hiểu về các framework phổ biến như React, Angular, Vue.js để phát triển giao diện người dùng một cách hiệu quả.
- Responsive Design: Có khả năng tạo ra các giao diện đáp ứng cho các thiết bị khác nhau như máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng.
Backend Development
- Ngôn ngữ lập trình: Có kiến thức và kinh nghiệm trong một hoặc nhiều ngôn ngữ như Python, Java, Ruby, PHP, Node.js.
- Frameworks: Hiểu về các framework backend như Django (Python), Ruby on Rails (Ruby), Spring (Java), Express.js (Node.js) để xây dựng các ứng dụng server-side.
- Cơ sở dữ liệu: Kiến thức về quản lý cơ sở dữ liệu và truy vấn dữ liệu bằng SQL hoặc NoSQL như MySQL, MongoDB.
Kiến thức chung
- Version Control: Hiểu và sử dụng các công cụ quản lý phiên bản như Git để theo dõi và quản lý mã nguồn.
- API (Application Programming Interface): Hiểu về việc giao tiếp với các API của bên thứ ba và xử lý dữ liệu trả về.
- Web Servers: Có kiến thức về cách triển khai ứng dụng trên các máy chủ web như Apache hoặc Nginx.
- Kiến thức về bảo mật: Hiểu về các nguyên tắc và phương pháp bảo mật ứng dụng web để đảm bảo an toàn dữ liệu và tránh các lỗ hổng bảo mật.
Kỹ năng mềm
Khi tìm hiểu về lộ trình phát triển của người làm fulltack là gì, một số bạn trẻ có thể vì quá tập trung vào kiến thức chuyên môn mà bỏ qua các kỹ năng mềm quan trọng như:
- Tư duy logic: Có khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, suy luận logic.
- Tìm hiểu và nghiên cứu: Sẵn sàng học tập liên tục và theo dõi các xu hướng công nghệ mới.
- Giao tiếp và làm việc nhóm: Có khả năng giao tiếp tốt và làm việc hiệu quả trong môi trường nhóm.
** Lưu ý rằng danh sách trên chỉ là đề xuất mang tính tổng quan. Công cụ phát triển phần mềm liên tục được cập nhật và phát triển. Do đó, việc cập nhất kiến thức mới cũng rất quan trọng.
Có nên trở thành kỹ sư fullstack hay không?
Có vẻ như sự phát triển của công nghệ AI hiện tại đang làm có các công ty công nghệ có xu hướng cần nhiều fullstack developer hơn. Tuy nhiên, song song với đó, nhu cầu về chuyên gia chuyên sâu vào từng mỗi lĩnh vực luôn tồn tại. Nhìn chung, việc trở thành fullstack developer hay không chủ yếu phụ thuộc vào khả năng của từng cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp và môi trường làm việc.
Một số yếu tố bạn có thể cân nhắc khi đưa ra quyết định:
- Sở thích và sự hứng thú
Bạn thích và tìm thấy hứng thú trong việc làm việc trên cả phía Front end và Back end? Bạn thấy thích thú khi tạo giao diện người dùng và đồng thời muốn hiểu sâu hơn về xử lý dữ liệu và cơ sở dữ liệu? Vậy thì fullstack development có thể phù hợp với bạn.
- Mục tiêu nghề nghiệp
Nhìn chung, fullstack phù hợp làm việc trong các dự án nhỏ, startup hoặc môi trường làm việc đa nhiệm. Có khả năng làm việc trên cả frontend và backend sẽ giúp bạn tham gia vào các giai đoạn khác nhau của dự án và có thể đảm nhận nhiều vai trò.
- Sự linh hoạt trong công việc
Nếu bạn mong muốn có tính linh hoạt trong công việc và khả năng chuyển đổi giữa các công nghệ và ngôn ngữ khác nhau, Fullstack Development có thể là lựa chọn phù hợp. Bạn có thể dễ dàng thích ứng với các yêu cầu và xu hướng mới và có khả năng làm việc trên nhiều dự án khác nhau.
Kết luận
Như vây, Techie đã vừa giới thiệu đến bạn fullstack là gì và các kỹ năng chính đối với lập trình viên fullstack. Cần lưu ý rằng, việc trở thành một lập trình viên Fullstack không yêu cầu bạn phải trở thành chuyên gia tại cả frontend và backend. Thay vào đó, đó là khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản trong cả hai phía và có khả năng hợp tác với các chuyên gia chuyên môn để hoàn thành dự án.
Cuối cùng, dù fullstack đang là xu hướng trong ngành công nghệ, nhưng nó không phải là lựa chọn duy nhất. Mỗi người vẫn có thể theo đuổi các mảng lập trình chuyên sâu tùy vào định hướng cá nhân của mình.
>>Xem thêm: Tìm hiểu về công việc DevOps