Những “lùm xùm” quanh vụ phá sản của “đế chế” tiền ảo FTX
FTX – một trong những “ông lớn” trên thị trường tiền mã hoá đã tuyên bố phá sản vào ngày 11/11 vừa qua, để lại hàng loạt “lùm xùm” và thiệt hại cho nhà đầu tư. Nguồn tin từ The Wall Street Journal cho hay, FTX đã chiếm dụng trái phép 10 tỷ USD của khách hàng!
Cụ thể, Sam Bankman-Fried – cựu CEO FTX – đã dùng công ty con của mình để thực hiện các khoản vay từ sàn giao dịch FTX mà không thông qua ý kiến bất kỳ thành viên nào tại công ty.
Theo The Wall Street Journal, công ty thương mại Alameda Research của Sam Bankman-Fried đã nợ sàn giao dịch tiền điện tử FTX đến 10 tỷ USD sau khi nhận các khoản vay được tài trợ bằng tiền gửi của khách hàng FTX.
Nhà kinh tế học Frances Coppola đã có các trao đổi với Tạp chí, cho biết các sàn giao dịch như FTX “không nên đụng vào tài sản của khách hàng”, kể cả đầu tư. Theo đúng nghĩa đen, chúng nên được “đặt yên một chỗ để khách hàng có thể sử dụng chúng.” Điều đó đặc biệt đúng đối với các thị trường đầy biến động như tiền điện tử, nơi tài sản thế chấp có thể thay đổi giá trị liên tục từ ngày này sang ngày khác.
Tuy nhiên, FTX được biết đã cho Alameda vay hơn một nửa số tiền từ các khách hàng, sau đó công ty này đã sử dụng khoản tiền trên để đặt cược vào các loại tiền điện tử khác và giúp đỡ các công ty tiền điện tử đang gặp khó khăn trong việc vượt qua suy thoái chung trên thị trường.
Rắc rối của FTX bắt đầu từ một bài viết trên CoinDesk. Bài báo đã đặt nghi vấn về bảng cân đối kế toán của Alameda khi nói rằng phần lớn tài sản thanh khoản kém của FTX là tiền điện tử gắn liền với sàn giao dịch FTT. Và ác mộng thực sự đã xuất hiện khi Changpeng Zhao – người sáng lập Binance công bố kế hoạch bán hàng tỷ FTT mà công ty này nắm giữ. Điều này đã khiến giá trị của tiền điện tử rơi vào tình trạng lao dốc không thể phục hồi. Kể từ đó, FTX đã phải vật lộn để duy trì hoạt động trong bối cảnh hàng loạt khách hàng cố gắng rút tiền do lo ngại về rủi ro tài chính vì các thỏa thuận giữa FTX và Alameda. Nền tảng phân tích dữ liệu Blockchain Nansen cho biết, đã có một số giao dịch rút tiền thành công được xử lý bởi FTX vào ngày 10/11, nhưng ai đã có thể rút tiền và lý do là gì vẫn chưa được làm rõ.
Theo Reuters, trước đó Bankman-Fried được cho là đã cố gắng huy động 9,4 tỷ USD từ các nhà đầu tư khác nhau cho gói tài trợ giải cứu FTX. Trong một chủ đề thảo luận trên Twitter của mình, Bankman-Fried cho biết “từng xu” thanh khoản đã huy động được sẽ đến tay khách hàng cho đến khi công ty được các nhà đầu tư “đối xử công bằng”.
Binance đã thông báo về việc dự định mua lại FTX để đảm bảo khách hàng có thể lấy lại tiền. Tuy nhiên, ngay vào hôm sau, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới đã nhanh chóng rút lại lời đề nghị của mình, đồng thời tuyên bố đã phát hiện ra “các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng trợ giúp của công ty”.
Trong hồ sơ phá sản của FTX cho thấy, sàn giao dịch này đang có hơn 1 triệu chủ nợ và đang phải đối mặt với việc bị kết án do các vi phạm dân sự và hình sự về luật chứng khoán. Các luật sư của FTX đang đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng trong việc xử lý tài sản liên quan và hoạt động kinh doanh phức tạp mà Sam Bankman-Fried để lại.
Việc sụp đổ nhanh chóng của FTX, một lần nữa đã cho thấy sự mong manh của lĩnh vực tiền điện tử. Nhưng liệu điều này có khiến nhà đầu tư cẩn trọng hơn? Thực tế trong những năm qua, việc các sàn giao dịch tiền số rơi vào tình trạng phá sản là không hề hiếm. Song, vẫn có hàng triệu nhà đầu tư đặt cược vào tiền số, với hy vọng làm giàu trong thời gian ngắn.
Lược dịch từ Theverge