Đây là cách phát triển sản phẩm với Minimum Viable Product
Minimum Viable Product (MVP) được sử dụng lần đầu bởi Frank Robinson vào năm 2001 và được phổ biến bởi Eric Ries qua cuốn sách The Lean Startup, MVP đã và đang là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của nhiều ý tưởng khởi nghiệp trên toàn thế giới.
#đây là cách là series cung cấp kiến thức cô đọng, trực quan về quản trị kinh doanh, phát triển sản phẩm và xu hướng công nghệ. Nhấp vào đây để xem thêm những bài viết thuộc series này.
Vậy, Minimum Viable Product là gì?
Vì sao Google lại có ưu thế lớn đến thế trên thị trường công nghệ? Vì sao các sản phẩm của Apple lại phổ biến với đại chúng như vậy? Vì sao Netflix không chỉ thành công, mà còn phát triển hơn cả mô hình kinh doanh ban đầu của họ? Có nhiều đáp án khác nhau cho những câu hỏi này, nhưng đều có mẫu số chung là MVP.
Minimum Viable Product (MVP), tạm dịch: Sản phẩm có thể sử dụng tối thiểu, là một khái niệm chỉ tầm quan trọng của việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. MVP được hiểu là việc xây dựng phiên bản đơn giản nhất của một sản phẩm, có thể không quá cầu kì, nhưng phải thực hiện được chức năng cơ bản nhất của sản phẩm. Từ đó, MVP cho phép đội ngũ phát triển thu thập thông tin, phản hồi và hành vi của người dùng.
Qua những thông tin này, đội ngũ phát triển có căn cứ để điều chỉnh, cải tiến sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Việc xây dựng MVP sẽ giúp bạn hiểu được sở thích, hành vi của người dùng mà không cần phải xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh. Nó là cách để bạn tìm ra được “chỗ ngứa”, rồi từ đó “gãi” cho người dùng, thay vì mất thời gian và tiền bạc để xây dựng một sản phẩm không đánh trúng tâm lý thị trường.
Từ cơ sở nghiên cứu này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thêm hoặc bỏ các tính năng để chất lượng sản phẩm tiệm cận hơn với nhu cầu của người dùng. Nó là con đường dẫn các nhà sáng lập đến một trong những cột mốc thành công đầu tiên của việc phát triển sản phẩm – Product/ Market Fit.
Các thành tố cần thiết ở Minimum Viable Product
Cốt lõi của sản phẩm: Dù “tối thiểu” tới mức nào, MVP vẫn cần thực hiện được chức năng cơ bản nhất của mình. Nếu MVP không thực hiện được việc này, doanh nghiệp sẽ không nhận được phản hồi phù hợp từ phía khách hàng.
Chi phí tiết kiệm: MVP là sản phẩm của các startup ở giai đoạn đầu – khi mà startup chưa có doanh thu và cũng chưa có bằng chứng để kêu gọi nhà đầu tư rót vốn. Vì vậy, “tối thiểu” ở đây cũng bao hàm cả sự tối thiểu trong chi phí xây dựng MVP.
Có giá trị nhất định: MVP không phải là sản phẩm cuối, nhưng điều đó không đồng nghĩa với có thể xây dựng MVP một cách cẩu thả. Một MVP tốt, tuy giao diện có thể chưa hoàn chỉnh, nhưng phải phần nào giải quyết “nỗi đau” của người dùng và cho họ thấy tiềm năng của sản phẩm đó.
Được lợi gì từ việc xây dựng Minimum Viable Product?
1. Tập trung vào giá trị/chức năng cốt lõi
MVP, phiên bản đơn giản nhất của sản phẩm, đặt người sáng lập vào tình thế phải trả lời câu hỏi: Người dùng cần cái gì nhất?
Khi trả lời được câu hỏi này, MVP sẽ được xây dựng để kiểm tra và đáp ứng đúng nhu cầu đó của người dùng, tránh việc nhồi nhét quá nhiều tính năng vào một sản phẩm chưa hoàn thiện. Việc tập trung vào các giá trị cốt lõi cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian trong việc phát hành các bản update của MVP, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cùng ngành. Đây cũng là cách xây dựng sản phẩm nhằm giảm thiểu rủi ro cho các nhà sáng lập, bởi việc xây dựng một sản phẩm tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức, nhưng đôi khi sản phẩm đó lại không đáp ứng được nhu cầu của người dùng cuối.
2. Hiểu được tâm lý khách hàng
Theo nghiên cứu từ CB Insights, có tận 42% startup thất bại do “thiếu nhu cầu từ thị trường”, “thiếu tập trung” hay “không xác định được chân dung khách hàng”. Bạn có thể có được ý tưởng hay, nhưng đôi lúc đó lại là ý tưởng mà bạn NGHĨ là khách hàng cần, chứ không phải là thứ người ta thực sự có nhu cầu.
Chính vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của người dùng trong giai đoạn phát triển MVP là điều hết sức cần thiết, vì ý kiến người dùng có sức nặng hơn rất nhiều so với việc nghiên cứu và võ đoán xem họ cần gì. Hơn nữa, nếu người dùng thấy được sự lắng nghe từ doanh nghiệp và nhận ra ý kiến phản hồi của họ được tiếp thu trong những lần update tiếp theo của sản phẩm, khách hàng sẽ dần hình thành lòng tin và sự trung thành với sản phẩm.
3. Có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư
Dù cho đối tượng mục tiêu bạn muốn thu hút đầu tư là ai, là nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm hay gọi vốn cộng đồng, bạn cần có căn cứ để thuyết phục rằng sản phẩm của bạn là hợp lí, có hiệu quả và phù hợp với thị trường.
MVP giải quyết được vấn đề này. Nó giúp cho các nhà đầu tư – những người có thể không có nhiều chuyên môn trong sản phẩm bạn đang phát triển – hiểu được cơ bản cách ý tưởng của bạn vận hành, đồng thời giúp bạn thu thập những con số, chứng cứ cơ bản nhằm thuyết phục nhà đầu tư rằng sản phẩm của bạn có khả năng tạo ra lợi nhuận.
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của MVP trong việc xây dựng sản phẩm, mời độc giả theo dõi Case Study về MVP của AirBnB và cách các nhà sáng lập đã tận dụng bệ phóng này để đưa ý tưởng của họ thành startup tỷ đô trên Techie.