Đây là cách IoT đang len lỏi vào trong cuộc sống của chúng ta (Phần 2)
IoT trong cuộc sống không những có thể ứng dụng trong sản phẩm may mặc, y tế và nhà ở, nó cũng đang dần hiện diện rõ nét hơn trong những ngành công nghiệp khác, mà có lẽ nhiều người vẫn chưa nhận ra.
Nông nghiệp thông minh (Smart Farming)
Cũng như các ngành khác, sự xuất hiện của IoT trong cuộc sống đang dần thay đổi bộ mặt của ngành nông nghiệp theo hướng thông minh hơn, sử dụng ít nhân lực hơn và cho hiệu năng sản xuất cao hơn. Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường nông nghiệp thông minh toàn cầu sẽ đạt quy mô 48 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng trung bình 14,7%/năm.
Một trong những đất nước đi đầu trong lĩnh vực Smart Farming là Israel, nơi khoa học – công nghệ chiếm tới 95% thành công của nông nghiệp và 70% lượng nước sử dụng đều được tái chế. Với đặc thù địa hình là sa mạc và bán sa mạc, nước luôn được coi là tài nguyên quốc gia tại Israel, chính vì vậy, các hoạt động nông nghiệp, bên cạnh việc cho năng suất cao và sản lượng lớn, thì tiết kiệm nước cũng là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Những thành quả trên của Israel đến từ công nghệ tưới tiêu thông minh trong nông nghiệp – công nghệ tưới nhỏ giọt. Sau khi cảm biến đã thu thập đủ thông tin về độ ẩm, không khí, đất đai và nhu cầu tăng trưởng của từng loại cây, chất dinh dưỡng, dưới sự điều khiển bởi một phần mềm tự động sẽ theo các ống dẫn nước tới từng rễ cây, gốc rau và tưới bón nhỏ giọt cho từng loại cây đó. Sau khi đã tưới đủ, thông qua các cảm biến điện tử, hệ thống này sẽ tự động đóng van, giúp tiết kiệm 60% lượng nước.
Tại Việt Nam, tuy chưa có Smart Farming hoàn thiện, nhưng cũng đã xuất hiện đâu đó những nhen nhóm của mô hình này. Tại Đà Lạt hệ thống nhà lưới trồng rau với ánh sáng đèn LED đang được áp dụng, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, các vườn hoa tại đây được tưới nước hoàn toàn bằng hệ thống tự động đã được thiết lập sẵn, thiết bị cảm biến cho biết độ ẩm, lượng nước tưới và thời gian tưới.
Mạng lưới điện thông minh (Smart Grids)
Mạng lưới điện thông minh khác với mạng lưới thông thường là khối lượng dữ liệu lớn được thu thập, trong đó bao gồm cả số liệu thời gian thực và số liệu quá khứ. Các dữ liệu này được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau của hệ thống điện tại các trạm biến áp, nhà máy, nhà ở của khách hàng… Các số liệu này sẽ được phân tích, xử lý và sử dụng cho công tác dự báo nhu cầu phụ tải điện từ dài hạn cho đến trung hạn nhằm phục vụ công tác lập kế hoạch cung cấp điện; hạn chế việc tiết giảm điện do thiếu nguồn thông qua cơ chế dịch chuyển phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm hoặc trường hợp khẩn cấp.
Đối với khách hàng sử dụng điện, IoT đảm bảo việc truyền thông giữa các thiết bị cảm biến với các công tơ thông minh được liên tục, giúp tự động điều khiển các thiết bị điện một cách hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Đối với hệ thống điều khiển trạm biến áp, việc áp dụng IoT cho phép phát hiện, xử lý mọi bất thường của hệ thống, giúp cho các công ty điện lực đạt được mục tiêu giảm tổn thất điện năng, giảm thiểu tối đa sự cố mất điện diện rộng mà không cần có sự can thiệp của con người.
Tại Việt Nam, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) cho ra đời 19 loại công tơ điện tử cơ bản đáp ứng đầy đủ yêu cầu về đo đếm điện năng từ trực tiếp đến gián tiếp, đo đếm theo 2 chiều giao và nhận, phục vụ tốt nhu cầu mua bán điện khi ứng dụng năng lượng tái tạo trong lưới điện thông minh; các hệ thống phần mềm giám sát… Hiện nay, CPCEMEC tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm nhiều giao thức IoT khác nhau, các thiết bị tự động hóa và điều khiển từ xa, góp phần trong việc phát triển mạng lưới điện thông minh ở Việt Nam.
Thành phố thông minh (Smart City)
Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng về cơ bản, Smart City là đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để gia tăng hiệu suất vận hành, công khai thông tin với người dân và gia tăng chất lượng dịch vụ công và phúc lợi của người dân.
Tại Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố dẫn đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh, và đã đạt được thành tựu nổi bật trong nhiều năm, có thể kể đến giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020) do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chủ trì. Đây được xem là danh hiệu danh giá nhất và duy nhất dành cho nhóm các đô thị, thành phố trong khuôn khổ giải thưởng.
Để trở thành Smart City, một thành phố cần đảm bảo các trụ cột sau về hạ tầng, dữ liệu và trục thông minh. Về hạ tầng, thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 350km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị với băng thông kết nối mạng 1Gbps – 20Gbps, kết nối tập trung ra Internet với băng thông lên đến 4,5Gbps. Về dữ liệu, Thành phố đã ứng dụng xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý Nhà nước chuyên ngành để hình thành 135 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đà Nẵng đã hình thành Kho dữ liệu dùng chung (khodulieu.danang.gov.vn), đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở (opendata.danang.gov.vn). Đối với trục thông minh, Đà Nẵng đã xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như hệ thống thư điện tử, ứng dụng một cửa điện tử, ứng dụng góp ý, cổng thanh toán trực tuyến thành phố, cổng đào tạo trực tuyến thành phố.
Hệ thống quản lý giao thông (Traffic Management)
Một ứng dụng IoT trong cuộc sống là hệ thống giao thông có thể kết nối các đối tượng thông qua các cảm biến, các thiết bị di động và các thiết bị khác nhau để thu thập, truyền dữ liệu, trao đổi thông tin theo thời gian thực với hệ thống giao thông. Các thành phố sẽ kiểm soát tốt hơn tình trạng giao thông, cơ sở hạ tầng, các phương tiện, đèn đường, người tham gia giao thông và giải quyết các vấn đề theo thời gian thực giúp quản lý giao thông hiệu quả.
Tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống ITS (Intelligent Transport System) đặt tại trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thực hiện các chức năng: điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại mặt cắt ngang các tuyến đường; các thông số của dòng giao thông được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra phương án điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại các nút giao thông trọng điểm. Song song đó, hệ thống giám sát giao thông thông qua hệ thống camera cũng được kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu giám sát giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.
Cùng đón đọc thêm về chuỗi bài viết các ứng dụng của IoT trong cuộc sống tại đây.