Ứng Dụng IoT đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta (Phần 1)
IOT theo định nghĩa đơn giản nhất là kết nối tất cả các thiết bị vật lý kết nối với mạng Internet, từ đó thu thập, xử lý thông tin và thực hiện các chức năng thông minh. Tuy đang là ngành công nghệ xu hướng, nhưng IoT vẫn còn là khái niệm mơ hồ với khá nhiều người. Nếu bạn là một trong số đó, hãy theo dõi bài viết sau để nhận diện các ứng dụng IOT đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta.
Ứng dụng IOT – Nhà ở thông minh
Hiện nay, nhà ở không còn đơn thuần là nơi ăn uống, ngủ nghỉ, mà IoT đang làm cuộc sống ngày càng thông minh hơn, tiện lợi hơn và quan trọng hơn hết, hiệu suất của nhà ở cũng được cải thiện hơn. Ngoài ra, tác động đến với môi trường của nhà ở thông minh cũng được giảm thiểu đáng kể so với nhà ở thông thường.
Một số ví dụ có thể kể đến cho nhà ở thông minh là Apple HomeKit Framework, Amazon Alexa, Google Nest. Những tiện ích này giúp hiệu chỉnh ánh sáng, nhiệt độ và những yêu cầu hàng ngày khác, chỉ bằng cách điều khiển giọng nói, thậm chí là ngay khi chúng ta không ở nhà. Đi du lịch nhưng sợ rằng quên khoá cửa? Đi ra ngoài và nghĩ rằng mình chưa tắt điều hoà? Các trợ lý ảo này sẽ nhanh chóng giúp bạn kiểm tra và điều chỉnh phù hợp giúp bạn. Đây là cách ứng dụng IOT giúp ngôi nhà của bạn trở nên tiện tích và thông minh hơn.
Các thiết bị đeo/ mặc
Thiết bị đeo/ mặc ứng dụng IOT đơn giản nhất có thể kể đến hiện nay là đồng hồ thông minh, với Apple Watch là thiết bị nổi tiếng nhất. Bên cạnh Apple, cũng có hãng Android đã và đang tham gia vào thị trường này, như Samsung Galaxy Watch 3, Fitbit Versa, Garmin và nhiều đồng hồ thông minh khác.
Những thiết bị này đều có chung các chức năng như đưa ra thông báo chỉ đường bằng cách rung cổ tay; đếm bước, khoảng cách, calories, nhịp tim; nghe điện thoại và tin nhắn; hỗ trợ giọng nói tương tác với Siri, Alexa và Google Assistant.
Nhưng tiềm năng của các thiết bị này không dừng lại ở đó, vậy nên các ông lớn trong những ngành hàng khác cũng đang nhảy vào tranh giành miếng bánh thị phần. Hãng thời trang Ralph Lauren năm 2015 đã phát hành áo PoloTech – trở thành người tiên phong việc ứng dụng IOT trong ngành thời trang. Đây là trang phục giúp các vận động viên theo dõi các chỉ số sinh học, từ đó giữ phong độ ổn định trong lúc thi đấu.
Xe thông minh – một ứng dụng của IOT
Trong hệ sinh thái các thiết bị ứng dụng IoT khác, xe thông minh là thị trường hoạt động nhộn nhịp và có nhiều đột phá nhất. Hiện nay, các nhà sản xuất xe thông minh còn cung cấp ứng dụng chuyên biệt để kết nối phương tiện với hệ thống mạng không dây. Những ứng dụng này giúp thực hiện các chức năng mà trước đây được thực hiện bởi con người như mở/ khoá cửa, mở mui xe, khởi động xe, tuýt còi.
Tiềm năng của xe thông minh có thể được chia làm 2 dạng chính với những ưu điểm riêng biệt cho người sử dụng, như:
-
Vehicle-to-infrastructure (V2I):
Thu thập và đưa ra các thông tin về hệ thống đường xá, chia sẻ/ nhận thông tin về tình hình thời tiết, giao thông, tốc độ, v.v
-
Vehicle-to-vehicle (V2V):
Giúp các phương tiện xe thông minh trao đổi thông tin với nhau trên thời gian thực, từ đó hạn chế tai nạn khi tham gia giao thông và có khả năng sẽ giúp xe thông minh trở nên hoàn toàn tự động trong tương lai.
Không cần phải nói, Tesla đang là cái tên nổi bật nhất trong mảng này. Hãng xe của Elon Musk có thể tự động mở cửa garage trước khi bạn về đến nhà, hay có thể tự động điều khiển được nhiệt độ, ánh sáng và sạc điện cho xe, hay Tesla còn có thể tự đặt lịch đến trung tâm bảo dưỡng.
Thậm chí, Tesla còn đang được cho là đang tham vọng xây dựng App Store riêng biệt, cho phép người sở hữu tải các ứng dụng/ tiện ích về xe.
Y tế thông minh áp dụng IOT
Internet vạn vật có rất nhiều tiềm năng trong việc quản lý chẩn đoán và kiểm soát bệnh tật trong thời điểm hiện nay. Các thiết bị này hiện đã được sử dụng và nhân rộng tại nhiều bệnh viện, để tăng cường sự an toàn và hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe, trong đó có thể kể đến Quản lý bệnh nhân từ xa (Remote Patient Monitoring – RPM), Phòng khám phi tập trung (Decentralized Clinical Trials – DCT), Hệ thống ứng phó khẩn cấp cá nhân trên điện thoại (Mobile Personal Emergency Response Systems – mPERS) và y tế viễn thông.
Các thiết bị y tế thông minh trải dài từ các thiết bị đeo/ mặc cá nhân tới các thiết bị cấy ghép không dây. Một số các thiết bị phổ biến là máy bơm insulin, máy đo nồng độ glucose, máy kiểm tra nồng độ bão hoà oxy trong máu.
Các thiết bị y tế dạng này sử dụng cảm biến và kết nối không dây để thu thập và truyền thông tin/ dữ liệu về bệnh nhân, ví dụ như các chỉ số sinh học, rồi sau đó các dữ liệu này sẽ được cung cấp cho các cơ sở/ chuyên gia chăm sóc sức khoẻ hay bệnh nhân, thông qua các nền tảng dựa trên điện toán đám mây hay giao diện lập trình ứng dụng (API).
Kết luận:
Với những lợi ích lớn lao trong việc tự động hoá các tác vụ ở hầu hết tất cả mọi mặt của đời sống, IoT chắc chắn sẽ là một xu hướng tương lai của ngành công nghệ. Chắc chắn trong tương lai, ứng dụng IoT sẽ còn mang lại nhiều đột phá, nhiều cải cách cho con người, và những viễn cảnh như xe tự lái, nhà thông minh tự thực hiện các công việc của con người, sẽ không chỉ ở trong trí tưởng tượng.
>>>Xem thêm bài viết: https://techie.vn/day-la-cach-iot-dang-dan-len-loi-vao-cuoc-song-cua-chung-ta-phan-2/