Chrome và Chromium: Làm sao để phân biệt?
Chrome chắc hẳn là cái tên không còn xa lạ với người dùng Internet, tuy nhiên ít ai biết Chromium lại có một người anh em không mấy quen thuộc với cái tên Chromium.
Chromium là gì?
Nghe thì có vẻ lạ, nhưng hầu hết bất kì ai đang dùng internet cũng đã và đang trải nghiệm Chromium, vì đây chính là phần mềm nền tảng tạo ra Google Chrome hay Microsoft Edge. Chromium hiện đang là một trong những dự án mã nguồn mở phổ biến nhất thế giới. Chromium được sở hữu, phát triển và vận hành bởi Google, được phát hành vào năm 2008. Tuy nhiên, bởi vì Chromium là dự án mã nguồn mở, nên kể cả những lập trình viên không thuộc Google cũng có thể đóng góp công sức vào phần mềm Chromium.
Lý do Chromium phổ biến như vậy là vì đây là dự án mã nguồn mở, nghĩa là ai cũng có thể sử dụng phần mềm miễn phí này làm nền tảng để xây dựng một trình duyệt/ ứng dụng khác. Bằng chứng rõ ràng cho sự phổ biến này là Chromium hiện đang là xương sống của hơn 20 trình duyệt nổi tiếng khác. Các trình duyệt phổ biến sử dụng Chromium bao gồm Opera, Vivaldi, bRave hay những cái tên đến từ Trung Quốc như QQ, Qihoo 360 Secure Browser, Epic và Comodo Dragon.
Vậy Chrome và Chromium khác nhau như thế nào?
Chromium cũng là tên của một trình duyệt Internet riêng biệt, chỉ dựa hoàn toàn trên code của Chromium, không hề có thêm bất kì một chức năng phụ nào. Chromium và Chrome thực chất rất giống nhau. Về cơ bản, Chrome được xây dựng hầu như hoàn toàn trên Chromium. Khi phát hành một version mới của Chrome, Google sẽ lấy các code có tính ổn định từ Chromium, sau đó thêm vào những dòng code độc quyền để xây dựng các tính năng đặc trưng khác. Nói cách khác, Chromium chính là Chrome, nhưng thiếu những tính năng làm cho Chrome trở nên tiện ích như hiện tại. Tương tự như vậy, rất nhiều trình duyệt khác cũng lấy Chromium làm nền tảng, thêm vào những tính năng và giao diện độc quyền để tạo ra trải nghiệm người dùng khác biệt. Do đó, Chromium sẽ thiếu đi nhiều tiện ích thường gặp ở các trình duyệt khác.
Thứ nhất, Chromium không có tính năng tự động cập nhật. Không có cách nào để người dùng nâng cấp trình duyệt này, ngoại trừ cách gỡ và cài đặt lại Chromium. Bên cạnh đó, các chức năng như báo lỗi hay phát các định dạng đa phương tiện cực kì phổ biến như MP3, Chromium cũng không hỗ trợ.
Thứ hai, Chromium sử dụng quá nhiều tài nguyên. Chromium chiến dụng rất nhiều RAM cho các tác vụ cơ bản, mỗi khi mở tab mới, truy cập trang web có tính tương tác cao hay cài đặt các tiện ích mở rộng của Google. Điều này cũng đã được nhận thấy ở trình duyệt Microsoft Edge – một trình duyệt sử dụng nền tảng là Chromium.
Thứ ba, trình duyệt này thiếu tính ổn định. Ngay cả trang web tải về của Chromium cũng cảnh báo rằng đây là một trình duyệt “có rất nhiều lỗi”, và người dùng cũng có thể gặp phải trường hợp trình duyệt tự động “sập nguồn”.
Vậy, ai dùng Chromium?
Đọc đến đây có thể bạn sẽ tự hỏi, một trình duyệt nặng nề, đầy lỗi như Chromium chắc sẽ không có ai dùng, đúng không? Tuy nhiên, trên thực tế, trình duyệt Chromium vẫn phục vụ một số đối tượng nhất định.
Đầu tiên là các lập trình viên. Họ chính là những người cần sử dụng Chromium để xem thử trình duyệt này vận hành như thế nào, làm sao để chỉnh sửa nó, và các bản cập nhật mới có hoạt động có hiệu quả hay không.
Về phía những người không phải là lập trình viên, họ có thể sử dụng Chromium vì trình duyệt này không thu thập và chuyển thông tin của người dùng cho Google. Và nhiều người dùng sẵn sàng sử dụng Chromium, dù nó không ổn định, vì mục đích riêng tư.
Theo ComputerWorld, thời điểm hiện tại, Chromium đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường, khi Firefox vẫn đang chật vật nắm giữ 7% thị phần ít ỏi của mình, hay công ty mẹ của Firefox, Mozilla, cũng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nếu trong tương lai, khi Firefox chẳng may bị khai tử, Chromium chắc chắn sẽ là cái tên nắm giữ vị thế độc tôn.
Bài viết có tham khảo kiến thức từ Business Insider và ComputerWorld.
Bài viết này thuộc series Glad You Asked của Techie – chia sẻ những kiến thức công nghệ nhỏ nhặt, thường bị bỏ lỡ nhưng vô cùng lí thú. Nhấn vào đây để xem thêm các bài viết thuộc series này.