Loài sói tiền sử “sống lại” sau hàng nghìn năm tuyệt chủng nhờ công nghệ hồi sinh?
Gần đây, công nghệ chỉnh sửa gene lại một lần nữa gây bão khi công ty Colossal Biosciences tuyên bố đã “hồi sinh” loài sói tiền sử – loài động vật thường được biết đến qua series Game of Thrones. Nhưng sự thật đằng sau tuyên bố chấn động đó là gì? Liệu đây có thực sự là bước đột phá trong khoa học hay chỉ là câu chuyện được phóng đại quá mức? Cùng Techie tìm hiểu ngay sau đây!
Sói tiền sử trở lại hay chỉ là sự “cải trang” di truyền?
Công ty chuyên về công nghệ hồi sinh sinh học Colossal Biosciences đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time sau khi tuyên bố rằng họ đã tạo ra ba chú sói con bằng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR. Những chú sói này có bộ lông trắng dài, hàm răng chắc khỏe, nặng khoảng 36kg khi mới vài tháng tuổi và được dự đoán sẽ đạt hơn 63kg khi trưởng thành – tương đương với kích thước của loài sói tiền sử.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học độc lập, đây chưa thể được xem là “sự hồi sinh” thực sự. Ba chú sói con mang tên Romulus, Remus và Khaleesi thực chất được tạo ra bằng cách sử dụng DNA của sói xám – loài có quan hệ gần nhất với sói tiền sử – và được điều chỉnh gene để tái tạo những đặc điểm giống với tổ tiên xa xưa.
Nói về điều này, Vincent Lynch, nhà sinh học tại Đại học Buffalo phát biểu: “Chúng ta chỉ có thể tạo ra một thứ trông giống loài vật đã tuyệt chủng, chứ không thể thật sự hồi sinh chúng.”
Tại sao không thể thực sự hồi sinh động vật tuyệt chủng?
Theo Giáo sư Nic Rawlence từ Đại học Otago (New Zealand), để “hồi sinh” một loài thực sự, chúng ta cần phải nhân bản chính xác từ DNA của chúng. Tuy nhiên, DNA của các loài đã tuyệt chủng không còn được bảo tồn đủ tốt để thực hiện điều đó. Ngay cả khi giải mã được bộ gene, các đoạn DNA thu được thường rất ngắn và không đầy đủ như ở các loài còn sống.
Trong trường hợp của Colossal, họ đã nghiên cứu đặc điểm di truyền của sói tiền sử từ hóa thạch răng 13.000 năm tuổi ở Ohio và mảnh hộp sọ 72.000 năm tuổi tại Idaho. Sau đó, họ lấy tế bào máu từ một con sói xám hiện đại, chỉnh sửa 20 vị trí gene bằng công nghệ CRISPR và cấy vào trứng chó nhà. Những phôi này sau đó được đưa vào chó mẹ thay thế, và 62 ngày sau, những chú sói con “giả sói tiền sử” ra đời.
“Thực chất, Colossal chỉ tạo ra một con sói xám với vài đặc điểm giống sói tiền sử – đây là một dạng lai tạo, chứ không phải sói tiền sử hồi sinh” – GS Rawlence nhận định.
Dù có ngoại hình tương đồng, nhưng các chuyên gia cho rằng những chú sói này sẽ không bao giờ có thể học được bản năng săn mồi như tổ tiên của chúng. Điển hình như cách hạ gục những chú nai với tấm sừng khổng lồ – bởi chúng không có cha mẹ sói tiền sử để truyền dạy. Mặt khác, môi trường sinh thái hiện tại cũng không còn giống như thời tiền sử, nên những loài như sói tiền sử sẽ không thể đảm nhận lại vai trò sinh thái cũ của chúng.
Ứng dụng rộng hơn: Bảo tồn các loài nguy cấp
Colossal không chỉ dừng lại ở sói tiền sử. Họ còn có các dự án khác như “hồi sinh” voi ma mút lông dài, chim dodo… Mới đây nhất, Colossal còn gây chú ý khi nhân bản thành công bốn con sói đỏ – loài động vật được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp tại Mỹ. Mục tiêu là gia tăng đa dạng di truyền để hỗ trợ sinh sản và cứu sói đỏ khỏi bờ vực tuyệt chủng.
CEO Ben Lamm của Colossal chia sẻ rằng, công nghệ gene không phải điều quá viển vông như nhiều người nghĩ. “Chúng tôi tin rằng hồi sinh sinh học và bảo tồn loài là hai mục tiêu có thể song hành”, ông nói.
Chuyên gia về động vật hoang dã tại Đại học Montana là Christopher Preston cho rằng, chỉnh sửa gene là phương pháp ít xâm lấn hơn nhân bản động vật truyền thống và có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong bảo tồn. Tuy vậy, quy trình vẫn yêu cầu lấy máu từ các loài hoang dã. Đây thật sự là một điều không hề dễ dàng!
Được biết, công ty Colossal cũng đã làm việc với Bộ Nội vụ Hoa Kỳ để thảo luận về tiềm năng của dự án. Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum đã ca ngợi công nghệ này như một “kỷ nguyên khoa học mới đầy kỳ thú”, tuy vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới học thuật về giới hạn thực sự của việc “hồi sinh” quá khứ.
Mặc dù vậy, công nghệ chỉnh sửa gene có thể là bước đệm quan trọng giúp khoa học tiến gần hơn đến việc bảo tồn những loài đang trên bờ vực tuyệt chủng.
>>Xem thêm: Dữ liệu ADN – Món hàng nóng trong thời kỳ công nghệ