75 năm trước, bộ phim này đã định hình Điện ảnh Khoa học viễn tưởng
Niềm say mê với những thế giới ngoài tầm với luôn là một phần không thể thiếu trong lịch sử điện ảnh. Từ 75 năm trước, có một bộ phim đã truyền cảm hứng cho hàng loạt siêu phẩm khoa học viễn tưởng ngày nay. Hãy cùng Techie ngược về quá khứ của dòng phim kỳ thú này nhé!
Những bước ngoặc của thể loại khoa học viễn tưởng
Từ năm 1902, tác phẩm A Trip to the Moon (Chuyến du hành lên Mặt Trăng) của Georges Méliès đã đánh dấu mốc khởi đầu khi là bộ phim tiên phong đưa hình ảnh du hành không gian và mặt trăng lên màn ảnh rộng.
Năm 1925, đạo diễn Willis H. O’Brien đã ứng dụng kỹ thuật tách màn hình (split-screen) và stop-motion để đưa khủng long vào thế giới loài người với bộ phim The Lost World (Thế giới bị lãng quên). Hai năm sau, siêu phẩm Metropolis (Thành phố tương lai) của Fritz Lang đã vẽ nên một tầm nhìn đồ sộ về cuộc đấu tranh giai cấp, người máy và tương lai đô thị.
Khoa học viễn tưởng thời kỳ đầu còn là cái nôi sản sinh ra những bộ phim kinh dị mang tính đột phá như Frankenstein (năm 1931) và The Invisible Man (năm 1933). Tuy nhiên, thể loại này chỉ thực sự bùng nổ sau hai cuộc thế chiến, khi những bối cảnh xã hội – đặc biệt là sự ra đời của bom nguyên tử – tạo tiền đề cho “kỷ nguyên vàng” của điện ảnh khoa học viễn tưởng thập niên 1950.
Đáng chú ý, làn sóng định hình thể loại này đã được khởi xướng cách đây đúng 75 năm bởi một trong những nhà làm phim hoạt hình có ảnh hưởng lớn nhưng ít được biết đến: George Pal, với kiệt tác về cuộc chạy đua không gian mang tên Destination Moon (Hành trình lên Mặt Trăng).
Mở lối trong kỷ nguyên không gian trong điện ảnh
Destination Moon không chỉ là một bộ phim giải trí mà còn là một dấu mốc quan trọng. Trong bối cảnh chính phủ Mỹ cắt giảm tài trợ cho chương trình đổ bộ Mặt Trăng, ba nhân vật gồm tiến sĩ Cargraves (Warner Anderson), đại tướng Thayer (Tom Powers) và doanh nhân yêu nước Jim Barnes (John Archer) đã quyết định tự mình thực hiện sứ mệnh lịch sử này trên con tàu vũ trụ Luna.
Với kịch bản được chắp bút bởi Rip Van Ronkel, James O’Hanlon và đặc biệt là nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng Robert A. Heinlein, Destination Moon là một trong những bộ phim đầu tiên tiếp cận chủ đề du hành vũ trụ một cách nghiêm túc và khoa học.
Không còn những phi thuyền mang tính biểu tượng huyền ảo hay người ngoài hành tinh phi logic, bộ phim tập trung vào những thử thách thực tế của hành trình chinh phục Mặt Trăng: từ thiết kế tên lửa, điều kiện không trọng lực, cho đến mâu thuẫn giữa tư nhân và nhà nước trong việc phát triển công nghệ không gian.
Thành công của Destination Moon đã mở đường cho hàng loạt siêu phẩm không gian sau này, từ những cái tên đình đám như 2001: A Space Odyssey, Apollo 13, Interstellar cho đến The Martian. Ngoài thành công về mặt thương mại, bộ phim còn vinh dự giành giải Oscar cho Kỹ xảo xuất sắc nhất và được đề cử thêm một hạng mục khác.
Đột phá về kỷ xảo và thiết kế bối cảnh
Di sản của Destination Moon không chỉ nằm ở cốt truyện mà còn ở cách bộ phim giải quyết các thách thức của du hành không gian và những cải tiến kỹ thuật táo bạo mà nó mang lại.
Để mô phỏng trạng thái không trọng lực, bộ phim đã sử dụng một kỹ thuật độc đáo: bối cảnh buồng lái xoay. Điều này cho phép các diễn viên di chuyển trên tường và trần nhà một cách thuyết phục, tạo cảm giác như đang lơ lửng ngoài không gian.
Kỹ thuật tiên phong này đã truyền cảm hứng sâu sắc cho Stanley Kubrick, người sau này học hỏi và phát triển thành công một phim trường xoay khổng lồ cho 2001: A Space Odyssey. Christopher Nolan cũng áp dụng nguyên lý tương tự cho các cảnh quay trọng lực phức tạp trong Inception. Ngày nay, kỹ thuật phim trường xoay đã trở thành chuẩn mực trong điện ảnh khoa học viễn tưởng, nhưng vào thời điểm Destination Moon được sản xuất là năm 1949, đó là một đột phá hiếm thấy và đầy sáng tạo.
George Pal – Người mở đường bị lãng quên
Nhờ thành công vang dội của Destination Moon George Pal tiếp tục sản xuất nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng nổi bật khác vào đầu thập niên 1950 như When Worlds Collide (1951) và Conquest of Space (1955). Ông cũng là người đứng sau bộ phim ca nhạc giả tưởng Tom Thumb (1958) trước khi tái xuất đầy ấn tượng với The Time Machine (1960) – tác phẩm này cũng giành giải Oscar cho Kỹ xảo xuất sắc nhất tại lễ trao giải lần thứ 33.
Mặc dù không nổi tiếng bằng Walt Disney, George Pal vẫn là một nhà tiên phong trong lĩnh vực hoạt hình. Phong cách stop-motion mà ông phát triển đã truyền cảm hứng cho nhiều kiệt tác stop-motion sau này, nhờ vào cảm giác vừa lạ lẫm vừa cuốn hút mà nó mang lại.
Di sản của Pal trong dòng phim khoa học viễn tưởng xứng đáng được trân trọng ngang với những tên tuổi lớn khác. Chính ông là người đã châm ngòi cho làn sóng sci-fi hiện đại của điện ảnh Mỹ, ảnh hưởng đến hàng loạt chủ đề như người ngoài hành tinh, du hành thời gian, và đặc biệt là định hình chuẩn mực về cách kể chuyện trong không gian.
Trong dòng chảy lịch sử của thể loại khoa học viễn tưởng, George Pal là một người đặt viên gạch đầu tiên: thầm lặng nhưng không thể thay thế.
>>Xem thêm: Vì sao đạo diễn “28 Years Later” lại sử dụng iPhone để quay phim?