Bạn thuộc kiểu gắn bó nào trong một mối quan hệ?
Trong các mối quan hệ, một số người cảm thấy dễ dàng trong việc bày tỏ cảm xúc trong khi người khác có thể cảm thấy lo lắng, lúng túng hoặc thậm chí né tránh sự thân mật. Điều gì khiến chúng ta khác biệt như vậy? Câu trả lời có thể nằm ở kiểu gắn bó của mỗi người .Việc hiểu về kiểu gắn bó của bản thân sẽ cho bạn cái nhìn thấu đáo về các mối quan hệ và từ đó biết cách cải thiện nó. Nhưng liệu có cơ sở khoa học thực sự nào đứng sau các kiểu gắn bó này không? Cùng Techie tìm hiểu nhé!
Kiểu gắn bó (attachment styles) là gì?
Các kiểu gắn bó (attachment styles) có thể được hiểu là cách con người trải nghiệm các mối quan hệ và lý do tại sao một người cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc với những người khác.
Các nhà tâm lý học sử dụng các kiểu gắn bó để mô tả cách con người tiếp cận các mối quan hệ. Tuy nhiên, những kiểu này không nhất thiết quyết định tất cả các mối quan hệ của một người và cũng không phải lúc nào họ cũng thuộc về kiểu gắn bó riêng biệt. Chính xác hơn, các kiểu gắn bó tồn tại trên một phổ liên tục và một người có thể “an toàn” trong một số loại mối quan hệ nhưng lại “không an toàn” trong những mối quan hệ khác.
Có những kiểu gắn bó nào?
Kết quả từ nghiên cứu của nhà tâm lý học Ainsworth khi quan sát cách đứa trẻ 1 tuổi phản ứng với việc rời đi và trở lại của cha mẹ sau vài phút cho thấy có 4 kiểu gắn bó khác nhau:
- Gắn bó an toàn: Những em bé tỏ ra buồn bã khi cha mẹ rời đi nhưng nhanh chóng được an ủi ngay khi cha mẹ trở lại.
- Gắn bó lo âu: Những em bé buồn bã khi cha mẹ rời đi và khó lòng được xoa dịu dù cha mẹ đã quay lại.
- Gắn bó né tránh: Những em bé thuộc kiểu gắn bó né tránh gần như không có phản ứng gì khi cha mẹ rời đi hoặc quay lại.
- Gắn bó hỗn loạn: Những em bé thuộc kiểu này có phản ứng khó đoán khi cha mẹ đến hoặc đi. Chúng có thể trở nên rất lo lắng, căng thẳng hoặc biểu hiện dửng dưng, không cảm xúc.
Làm sao để biết được mức độ gắn bó của một người trong một mối quan hệ?
Câu trả lời mà các nhà tâm lý học đưa ra là đo lường mức độ né tránh và lo âu trong gắn bó của một người. Điều này thường được thực hiện thông qua các bảng câu hỏi về cách họ cư xử và cảm nhận trong các mối quan hệ.
Người né tránh thường sẽ có biểu hiện tránh xa sự thân mật hoặc ngại bộc lộ cảm xúc của mình. Họ gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác và cố đẩy mọi người ra xa nếu cảm thấy ai đó đang tiến đến gần. Người lo lắng trong một mối quan hệ thì luôn cảm thấy bất an, lo sợ rằng người kia không thực sự quan tâm đến họ. Chính điều này có thể khiến họ trở nên phụ thuộc một cách khó chịu vào những người bên cạnh.
Trái lại, con người nếu được đặt trong một mối quan hệ gắn bó an toàn họ sẽ cảm thấy thoải mái khi phụ thuộc vào người kia, coi nửa kia là nơi trú ẩn an toàn trong lúc khó khăn và gửi gắm hoàn toàn niềm tin vào tình cảm mà họ dành cho mình.
Nhà tâm lý học Fraley cho rằng có một sự kết nối mạnh mẽ giữa trải nghiệm thời thơ ấu của một người và kiểu gắn bó khi trưởng thành của họ. Nếu ai đó trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm, chịu sự ngược đãi và lạnh lùng từ người thân thì khó lòng “an toàn” trọn vẹn trong những mối quan hệ lúc trưởng thành. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người.
Và các kiểu gắn bó cũng có thể thay đổi
Cuộc sống luôn thay đổi, nó khiến con người thay đổi và những mối quan hệ cũng dần trở nên phức tạp theo những cách không thể nắm bắt được. Do đó, kiểu gắn bó xác định chỉ đúng với một người trong một thời điểm cụ thể. Thay đổi kiểu gắn bó là thay đổi trong cảm xúc, nhận thức về mối quan hệ một người vậy nên những ngã rẽ này cũng là một điều đáng lưu tâm.
Nhưng điều gì tạo ra và duy trì sự lâu dài trong một kiểu gắn bó vẫn là một dấu hỏi lớn. Fraley cho biết các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm lời giải cho câu hỏi này. Ông cùng các cộng đã xây dựng một trang web với các bảng câu hỏi về kiểu gắn bó được kiểm chứng khoa học, dành những ai muốn khám phá phong cách gắn bó của mình trong các mối quan hệ.
>> Xem thêm: Thực hành 8 cách để trở nên hạnh phúc hơn trong năm mới