Bãi đá cổ Stonehenge: Bí ẩn thống nhất Vương quốc cổ đại?
Stonehenge, quần thể đá cổ đại tại Salisbury, Anh, từ lâu đã là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại, thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ học toàn cầu. Mới đây, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Archaeology International đã hé lộ những phát hiện mới, mở ra góc nhìn sâu sắc hơn về mục đích thực sự của công trình này. Cùng Techie cập nhật ngay!
Mục đích thật sự của Stonehenge là gì?
Theo nghiên cứu, các nhà khảo cổ học cho rằng, trong số hơn 900 vòng tròn đá được phát hiện trên khắp nước Anh, Stonehenge mang một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ đối với cư dân bản địa mà còn đối với những người di cư từ châu Âu. Bằng chứng là, các khối đá khổng lồ, bao gồm cả phiến đá bàn thờ (altar stone) nặng hơn 6 tấn, đã được vận chuyển từ những địa điểm xa xôi, thậm chí từ Scotland ngày nay, cách Stonehenge hơn 700km.
Ước tính, hành trình vận chuyển này có sự tham gia của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, kéo dài gần 8 tháng. Các nhà nghiên cứu nhận định, việc di chuyển bằng đường bộ không chỉ là một nỗ lực kỹ thuật mà còn là một sự kiện mang tính cộng đồng, với những màn trình diễn, lễ hội và yến tiệc, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Độ chính xác kiến trúc của Stonehenge, với những khối đá khổng lồ được vận chuyển từ nhiều địa điểm khác nhau, cho thấy công trình này có khả năng được xây dựng như một biểu tượng thống nhất các cộng đồng cổ đại trên khắp nước Anh. Tác giả chính của nghiên cứu, Mike Parker Pearson, cho biết: “Thực tế là tất cả các khối đá đều có nguồn gốc từ những vùng xa xôi, khiến Stonehenge trở nên độc đáo so với các vòng tròn đá khác ở Anh. Điều này cho thấy công trình này có thể mang ý nghĩa chính trị, bên cạnh ý nghĩa tôn giáo, như một di tích kỷ niệm mối liên kết vĩnh cửu của người Anh cổ đại với tổ tiên và vũ trụ.”
Kết nối bất ngờ giữa các cộng đồng cổ đại
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các xã hội cổ đại ở Scotland và vùng đồng bằng Salisbury có mối liên hệ chặt chẽ hơn chúng ta tưởng. Stonehenge không chỉ là một địa điểm quan trọng đối với cư dân địa phương mà còn thu hút sự tham gia của người dân từ khắp nơi trên đất nước, những người đã cùng nhau vận chuyển các khối đá khổng lồ.
Bằng chứng củng cố cho giả thuyết này là những phát hiện trước đây về các khối sa thạch mịn (bluestones) và sarsens, được vận chuyển từ khoảng cách gần 240km. Đặc biệt, phiến đá bàn thờ được đặt trong cấu trúc hình móng ngựa ở trung tâm di tích, trong giai đoạn tái thiết khoảng năm 2500 – 2020 trước Công nguyên.

Từ khoảng năm 2620 đến 2480 trước Công nguyên, người Anh cổ đại đã dựng lên những khối sarsens khổng lồ để tạo thành một vòng tròn bao quanh khối đá altar. Cấu trúc cuối cùng của Stonehenge được thiết kế để thẳng hàng với Mặt Trời trong các ngày đông chí và hạ chí, điều này có thể mang ý nghĩa “tổ tiên thiêng liêng” đối với người Anh cổ đại. Ngày nay, khi đứng tại vị trí giữa vòng tròn đá, người ta có thể nhìn thấy Mặt Trời lặn ngay trung tâm của công trình.
>> Xem thêm: Số nguyên tố: từ mật mã ẩn giấu trong tự nhiên đến nền tảng của an ninh mạng