AI không thay thế bạn, nhưng người sử dụng nó thì có thể!
Nếu vẫn còn đang chần chừ trước việc “bắt nhịp” công nghệ AI, rất có thể bạn sẽ dễ dàng bị đào thải trong môi trường công sở. Nghiên cứu mới đây của Microsoft và LinkedIn sẽ chứng minh điều này. Cùng Techie cập nhật ngay!
Điều kiện để duy trì tính cạnh tranh trong doanh nghiệp
“AI sẽ không thay thế bạn. Bạn sẽ bị thay thế bởi người sử dụng AI để làm tốt hơn bạn”. Đó là kết luận của Laurence Liew, Giám đốc AI Innovation (một start-up về AI tại Singapore).
Theo khảo sát mới đây về Xu hướng việc làm 2024 của Microsoft, trong khi có 45% chuyên gia lo lắng rằng AI sẽ lấy đi công việc của họ, thì có tới 55% các nhà lãnh đạo lại lo ngại về việc thiếu nhân tài để đảm nhận các vai trò trong doanh nghiệp. Ngoài ra, 71% nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết, họ sẽ ưu tiên tuyển dụng ứng viên ít kinh nghiệm nhưng có kỹ năng AI, hơn là trường hợp ngược lại: giàu kinh nghiệm nhưng không có kỹ năng ứng dụng các công cụ về trí tuệ nhân tạo.
Sự thiếu hụt nhân tài sẽ là cơ hội lớn cho những người biết cách tận dụng các kỹ năng AI. Bởi lẽ, trong khi công nghệ này đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi từ tháng 11/2022 (thời điểm ra mắt ChatGPT), thì các công ty lớn vẫn đang chậm chạp trong việc tích hợp nó để giúp nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự.
Có một khoảng cách giữa sự cần thiết và tính khả thi ở nơi làm việc. Theo nghiên cứu của Microsoft, trong khi 79% giám đốc điều hành tin rằng công ty của họ nên áp dụng AI để duy trì tính cạnh tranh, thì áp lực tạo ra lợi nhuận ngay lập tức đã làm chậm quá trình chuyển đổi AI. Do đó, phần lớn nhân viên trên toàn cầu đang tự mình giải quyết vấn đề, học cách tự mình sử dụng các công cụ AI. Mặc dù tự học AI có thể mang lại lợi thế cạnh tranh nhưng nó cũng đặt ra một số vấn đề.
Rủi ro của việc tự học AI
Có rất nhiều tài nguyên AI “miễn phí” trên mạng như ChatGPT và các công cụ tương tự sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LMM). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thực tế, các công cụ này không miễn phí.
Bởi, dữ liệu của người dùng cũng chính là hàng hóa mà họ đang giao dịch. Nếu không được trang bị kiến thức bảo mật cần thiết, rất có thể người dùng sẽ khiến dữ liệu cá nhân hoặc thậm chí là của doanh nghiệp của họ gặp rủi ro. Đó chính là tính bất cập của việc tự học các công cụ AI – sự thiếu an toàn và hiệu quả.
Kỹ năng AI nào đang cần thiết nhất?
Theo Liew, kỹ năng hàng đầu về việc sử dụng công cụ AI hiện nay là promt – tức giao tiếp hiệu quả với các LLM được hỗ trợ bởi AI hiện có. ChatGPT của Open AI, Copilot của Microsoft và Gemini của Google đều sử dụng LLM.
Liew nói với CNBC Make It: “Mọi người đang sử dụng ChatGPT sai cách – bởi vì nó trông giống hệt công cụ tìm kiếm của Google”. Khi làm việc với LLM, điều quan trọng là phải đưa ra lời nhắc cụ thể. “Bạn phải cung cấp cho AI nhiều bối cảnh – hãy đối xử với AI như một thực tập sinh rất chăm chỉ và thỉnh thoảng sẽ mắc lỗi”.
Liew cho biết thêm, cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng về các công cụ AI tại nhà là sử dụng chúng. Thông qua thực hành, bạn có thể tìm hiểu cách cung cấp nhiều lời nhắc mang tính mô tả hơn cho LLM để giúp tạo ra kết quả mong muốn của bạn. Mặc dù các công cụ AI có vẻ vẫn còn xa lạ, nhưng nó sẽ sớm trở nên hiện diện trong công việc của bạn trong một vài năm tới – “nó giống như việc bạn biết cách sử dụng trình kiểm tra chính tả trong Microsoft Word”, Liew kết luận.
>>Xem thêm: Thấy gì khi AI được đào tạo theo góc nhìn của một đứa trẻ?