3 sai lầm tài chính cuối đời người nổi tiếng từng mắc phải – và bài học dành cho bạn
Khi nghĩ đến việc lập kế hoạch tài chính cho giai đoạn cuối đời, nhiều người thường chần chừ vì cảm thấy còn quá sớm, quá phức tạp, hoặc đơn giản là chưa có nhiều tiền đến vậy. Nhưng thực tế cho thấy, kể cả người giàu và nổi tiếng cũng từng trả giá đắt chỉ vì trì hoãn điều này. Từ tranh chấp pháp lý kéo dài, đến hóa đơn thuế hàng chục triệu đô, những bài học của các ngôi sao Hollywood có thể giúp bạn tránh khỏi những rắc rối tương tự.
Cùng Techie điểm qua 3 ví dụ tiêu biểu và bài học rút ra từ kế hoạch quản lý tài sản của người nổi tiếng.
1. Không có di chúc
Năm 2022, nam ca sĩ Aaron Carter đột ngộ qua đời ở tuổi 35 mà chưa kịp lập di chúc. Kết quả là toàn bộ tài sản của anh phải đưa ra tòa để phân xử. Tại thời điểm đó, Aaron có một cậu con trai 11 tháng tuổi và đang đính hôn.
Theo luật bang California, nếu một người chưa kết hôn có con và qua đời mà không có di chúc, con cái sẽ được thừa hưởng toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, vì con trai Aaron còn quá nhỏ để trực tiếp quản lý tài sản, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. “Vì Aaron không có di chúc hay lập quỹ tín thác nào, nên tòa buộc phải chỉ định một người giám sát tài sản. Người đó có thể không phải là người mà anh ấy tin tưởng để quản lý tiền bạc cho con mình.” – Luật sư Zach Wiegand tại Gold Leaf Estate Planning chia sẻ.
- Bài học là gì?
Dù bạn còn trẻ hay chưa có nhiều tài sản, việc lập một bản di chúc cơ bản vẫn rất cần thiết. Đặc biệt là khi bạn có con, hoặc có tài sản và muốn chuyển giao cho một người thân cụ thể. Nếu có điều kiện, hãy lập một quỹ tín thác để giúp việc chuyển giao tài sản diễn ra nhanh chóng, không cần qua tòa án.
2. Không cập nhật tài liệu pháp lý
Câu chuyện của huyền thoại NBA Kobe Bryant là ví dụ điển hình cho việc không cập nhật kịp thời tài liệu pháp lý có thể gây ra rắc rối thế nào, theo luật sư Eido Walny đề cập trong một hội thảo năm 2023.
Bryant qua đời vào năm 2020, chỉ vài tháng sau khi con gái út Capri chào đời. Tuy nhiên, vì chưa cập nhật lại các văn bản pháp lý, Capri ban đầu không có tên trong danh sách người thừa kế tài sản. Vợ anh là Vanessa đã phải đệ đơn lên tòa án bang California để bổ sung con gái vào quỹ tín thác.
“Mỗi khi có con, bạn cần nhanh chóng cập nhật thông tin trong tài liệu pháp lý.” Luật sư Eido Walny kết luận.
- Bài học là gì?
Mỗi khi có thay đổi lớn trong cuộc sống như kết hôn, sinh con, ly hôn,… hãy nhanh chóng cập nhật các giấy tờ liên quan đến tài sản: di chúc, quỹ tín thác, người thụ hưởng trong tài khoản hưu trí hoặc bảo hiểm. Kế hoạch tài sản không phải là thứ “làm một lần rồi để đó”. Nó cần được điều chỉnh khi cuộc sống thay đổi.
3. Không tính thuế
Nếu không tính đến yếu tố thuế, một phần lớn tài sản bạn để lại có thể rơi vào tay chính phủ ngay sau khi bạn qua đời. Trường hợp của nam diễn viên James Gandolfini, người thường được biết đến qua series phim The Sopranos là một ví dụ điển hình.
James Gandolfini đã để lại khối tài sản ước tính là 70 triệu USD. Mặc dù có lập di chúc, ông không sử dụng các chiến lược tiết kiệm thuế. Theo luật thuế năm 2025 tại Hoa Kỳ, mỗi cá nhân có thể để lại tối đa 13,99 triệu USD mà không bị đánh thuế. Bất cứ khoản vượt mức nào có thể bị đánh thuế lên đến 40%. Kết quả là gia đình ông đã phải trả khoảng 30 triệu USD tiền thuế liên bang vì thiếu biện pháp bảo vệ tài sản hợp lý.
- Bài học là gì?
Nếu bạn có tài sản giá trị, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia tài chính để tìm cách giảm thiểu thuế. Mặc dù phần lớn mọi người không phải lo lắng về thuế thừa kế do ngưỡng miễn thuế khá cao, nhưng vẫn có những rủi ro tiềm ẩn.
Cuối cùng thì, việc lập kế hoạch tài sản không chỉ dành cho giới siêu giàu hay người nổi tiếng. Càng không phải là chuyện xa xôi chỉ dành cho người lớn tuổi. Đó là trách niệm của mỗi người để bảo vệ tài sản, tránh những rắc rối không đáng có và để lại sự bình an cho gia đình.
>>Xem thêm: Giới siêu giàu bình tĩnh giữa cơn bão thị trường