Một chiếc iPhone “Made in USA” sẽ có giá bao nhiêu?
Vào năm 2011, tại một buổi tối dùng bữa cùng Tổng thống Barack Obama, cố CEO Apple – Steve Jobs – từng được hỏi rằng: “Liệu có thể sản xuất iPhone tại Mỹ không?“. Không vòng vo, Jobs đáp thẳng: “Những công việc đó sẽ không quay lại đâu”. Hơn một thập kỷ đã trôi qua, vị trí Tổng thống Mỹ và CEO Apple đều đã thay đổi, nhưng tham vọng về một chiếc iPhone “sản xuất tại Mỹ” vẫn luôn là đề tài được nhắc đến, đặc biệt mỗi khi chính quyền Mỹ thắt chặt chính sách thương mại với Trung Quốc.
Vậy điều gì đang ngăn cản giấc mơ “Made in USA”? Và nếu điều đó xảy ra, một chiếc iPhone sẽ đội giá lên bao nhiêu? Cùng Techie tìm hiểu ngay sau đây!
Giá iPhone sẽ tăng bao nhiêu nếu sản xuất tại Mỹ?
Có nhiều dự đoán khác nhau về chi phí của một chiếc iPhone hoàn toàn sản xuất tại Mỹ.
Theo ước tính của chuyên gia Wamsi Mohan từ Bank of America Securities, nếu chỉ tính riêng chi phí nhân công, một chiếc iPhone 16 Pro hiện có giá 1.199 USD có thể tăng khoảng 25%, lên đến 1.500 USD. Trong khi đó, Dan Ives – chuyên gia tại Wedbush – đưa ra con số 3.500 USD cho một chiếc iPhone sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, nếu Apple thực hiện kế hoạch chuyển 10% chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Mỹ, ước tính tiêu tốn 30 tỷ USD trong 3 năm.
Các chuyên gia cho rằng một chiếc iPhone “Made in USA” sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, từ việc tìm kiếm và trả lương cho lực lượng lao động Hoa Kỳ đến chi phí thuế quan mà Apple sẽ phải chịu khi nhập khẩu linh kiện vào Mỹ để lắp ráp cuối cùng.
Các nhà phân tích và những người theo dõi ngành đều có chung quan điểm rằng điều này khó có khả năng xảy ra. Phố Wall đã hoài nghi trong nhiều năm về việc Apple sẽ sản xuất iPhone tại Mỹ. Laura Martin của Needham hóm hỉnh nhận xét trên CNBC tuần này: “Tôi không nghĩ đó là một chuyện có thật”. Jeff Fieldhack, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research, nhận định: “Việc áp đặt thuế quan trong khung thời gian này sẽ không thể chuyển dịch sản xuất về đây. Đó chỉ là chuyện viển vông.”
Vì sao việc sản xuất iPhone tại Mỹ khó khả thi?
Hiện nay, hơn 80% sản phẩm của Apple được sản xuất tại Trung Quốc. Để đưa iPhone về lắp ráp tại Mỹ, Apple sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức:
- Thiếu quy mô nhân sự:
Foxconn – đối tác sản xuất lớn nhất của Apple – hiện đang lắp ráp iPhone và các sản phẩm Apple khác tại các khu phức hợp khổng lồ ở Trung Quốc. Những khu này không chỉ có nhà máy mà còn có ký túc xá và xe đưa đón công nhân. Hàng ngàn lao động từ các vùng lân cận thường đến làm việc trong thời gian ngắn, và số lượng nhân sự thường tăng vọt vào mùa hè – thời điểm Apple chuẩn bị cho đợt ra mắt iPhone mới vào mùa thu. Nhờ quy trình được vận hành trơn tru, Apple có thể xuất xưởng hơn 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm.
- Chi phí nhân công cao:
Mức lương giữa lao động Trung Quốc và Mỹ có sự chênh lệch rất lớn. Trong thời gian cao điểm sản xuất iPhone 16, công nhân Trung Quốc nhận mức lương 26 nhân dân tệ/giờ (tương đương 3,63 USD), kèm theo thưởng ký hợp đồng khoảng 7.500 tệ (khoảng 1.000 USD). Trong khi đó, mức lương tối thiểu ở bang California là 16,50 USD/giờ. Theo ước tính của chuyên gia Mohan (Bank of America Securities), nếu sản xuất và kiểm thử iPhone tại Mỹ, chi phí nhân công có thể lên tới 200 USD cho mỗi chiếc – cao gấp 5 lần so với tại Trung Quốc (chỉ khoảng 40 USD).
- Thiếu nhân lực có tay nghề
Ngoài chi phí, CEO Tim Cook của Apple còn chỉ ra một vấn đề lớn khác: lực lượng kỹ sư tại Mỹ thiếu kỹ năng cần thiết. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, Cook nói rằng Mỹ không có đủ kỹ sư vận hành máy móc (tooling engineers) – những người đóng vai trò then chốt trong việc chuyển thiết kế từ bản vẽ số sang sản phẩm vật lý.
- Cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng
Năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Foxconn sẽ đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại bang Wisconsin. Dù Apple chưa bao giờ chính thức xác nhận có liên quan đến dự án này, Trump vẫn công khai nói rằng Apple sẽ xây “ba nhà máy tuyệt đẹp” tại Mỹ. Tuy nhiên, Foxconn đã nhiều lần thay đổi kế hoạch sản xuất tại đây và cuối cùng, nhà máy chuyển sang… làm khẩu trang trong đại dịch – hoàn toàn không liên quan đến điện tử. Dự án ban đầu hứa hẹn tạo ra 13.000 việc làm, nhưng cuối cùng chỉ có 1.454 việc làm được tạo ra. Trong thời kỳ đại dịch, kế hoạch mở rộng bị từ bỏ và phần lớn nhà máy đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Về phía Apple, công ty từng hợp tác với Foxconn để xây nhà máy ở Brazil vào năm 2011 nhằm tránh thuế nhập khẩu cao. Nhà máy này hiện vẫn hoạt động và sẽ sản xuất iPhone 16 để Apple lách thuế từ Mỹ, theo báo chí Brazil. Tuy vậy, ngay cả khi nhà máy trị giá 12 tỷ USD này đi vào hoạt động, phần lớn linh kiện vẫn phải nhập từ châu Á. Năm 2015 – bốn năm sau khi khánh thành – giá bán iPhone sản xuất tại Brazil vẫn cao gấp đôi iPhone sản xuất tại Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
Chưa kể ngay cả khi có thể lắp ráp tại Mỹ, phần lớn linh kiện iPhone vẫn đến từ các quốc gia châu Á. Cụ thể: bộ vi xử lý (chip) do TSMC sản xuất tại Đài Loan, màn hình đến từ các công ty Hàn Quốc như LG hoặc Samsung, và đa số các thành phần khác được làm tại Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa Apple sẽ phải chịu thuế nhập khẩu cho hầu hết linh kiện, nếu không được miễn trừ. Chỉ riêng chi phí nhân công và thuế đã có thể khiến iPhone tăng giá đến 91%, theo ước tính của chuyên gia Mohan.
Sản xuất phụ kiện tại Mỹ – bước đệm cho tương lai?
Nếu như Steve Jobs từng bác bỏ hoàn toàn ý tưởng về một chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ trong cuộc đối thoại với Tổng thống Obama, thì Tim Cook lại có cách tiếp cận “mềm dẻo” hơn với chính quyền Trump. Apple cũng từng tuyên bố sẽ đầu tư 500 tỷ USD vào thị trường Mỹ, bao gồm cả sản xuất máy chủ AI tại thành phố Houston.
Dù Tổng thống Donald Trump thường phát biểu về việc sản xuất iPhone tại Mỹ và yêu cầu Apple xây nhà máy trong nước, nhưng thực tế Apple vẫn xin được miễn trừ tạm thời cho nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Nhờ đó, hãng không phải trả thuế nhập khẩu cho các thiết bị quan trọng như iPhone.
Theo giới phân tích Phố Wall, Apple có thể sẽ chọn sản xuất thử một số phụ kiện hoặc sản phẩm ít quan trọng hơn tại Mỹ như HomePod hoặc AirTags – tương tự như cam kết sản xuất Mac Pro ở Austin hồi tháng 9/2019 – như một cách vừa để giữ hình ảnh, vừa để thương lượng về chính sách thuế. “Việc chuyển hoạt động lắp ráp cuối cùng sang Mỹ có thể là điều khả thi, nhưng nếu muốn chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng iPhone sang Mỹ thì sẽ là một nỗ lực khổng lồ, có thể kéo dài nhiều năm – nếu như điều đó là khả thi.” – chuyên gia Mohan nhận định.
Kết lại thì, một chiếc iPhone “Made in USA” nghe thì hấp dẫn, nhưng thực tế là một câu chuyện cực kỳ phức tạp – từ chi phí, nhân lực, chuỗi cung ứng đến chính sách thuế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, iPhone không đơn thuần là sản phẩm của Apple hay của nước Mỹ. Nó là kết tinh của cả một chuỗi giá trị toàn cầu. Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng tới giá thành, quy mô sản xuất và trải nghiệm người dùng.
>>Xem thêm: Bill Gates thừa nhận từng “ngây thơ” và sai lầm trong những ngày đầu của Microsoft