Công nghệ AI đã hỗ trợ công tác cứu nạn động đất tại Myanmar như thế nào?
Ngay say trận động đất diễn ra tại Myanmar vào hôm 28/3, Microsoft đã sử dụng dữ liệu vệ tinh cùng khả năng phân tích của AI để hỗ trợ quốc gia này trong công tác cứu nạn. Cùng Techie khám phá cách mà AI được vận hành để cứu trợ nạn nhân!
Từ rạng sáng 28/3, một vệ tinh đã hướng ống kính tầm xa của mình về thành phố Mandalay, Myanmar – khu vực gần tâm chấn của trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra trước đó một ngày, gây thiệt hại nặng nề cho thành phố lớn thứ hai của đất nước này. Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh khu vực bị ảnh hưởng. Khi kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), những hình ảnh này có thể giúp các tổ chức cứu trợ nhanh chóng đánh giá số lượng tòa nhà bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng, cũng như xác định những khu vực cần hỗ trợ khẩn cấp nhất.
Phần này hiện do Microsoft phụ trách, với hệ thống vệ tinh từ Planet Labs. Tuy nhiên, ban đầu, phương pháp phân tích hình ảnh bằng AI đã gặp khó khăn. “Thử thách lớn nhất trong trường hợp này chính là mây che phủ,” ông Juan Lavista Ferres, nhà khoa học dữ liệu trưởng của Microsoft, cho biết. “Công nghệ này không thể xuyên qua những đám mây.”

Mãi đến khi mây tan, một vệ tinh khác của Planet Labs – công ty có trụ sở tại San Francisco – mới có thể chụp lại hình ảnh từ trên không và gửi về Phòng thí nghiệm “AI for Good” của Microsoft. Lúc đó, tại trụ sở chính của Microsoft ở Redmond, Washington, đã là khoảng 11 giờ đêm. Một nhóm nhân viên Microsoft đã sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu ngay khi nó được gửi về.
Phòng thí nghiệm “AI for Good” từng thực hiện các đánh giá thiệt hại bằng AI trước đây, chẳng hạn như theo dõi trận lũ lụt thảm khốc ở Libya năm 2023 hay các vụ cháy rừng tại Los Angeles năm nay. Tuy nhiên, thay vì sử dụng một mô hình AI thị giác máy tính tiêu chuẩn có thể áp dụng cho mọi loại dữ liệu hình ảnh, lần này họ phải xây dựng một phiên bản tùy chỉnh riêng cho Mandalay.
“Bề mặt Trái đất có quá nhiều khác biệt, thiên tai cũng rất đa dạng và hình ảnh vệ tinh thu thập được trong từng trường hợp cũng không giống nhau,” ông Lavista Ferres giải thích. Ông lấy ví dụ rằng, trong khi cháy rừng có thể lây lan theo những cách tương đối dễ dự đoán, thì động đất lại ảnh hưởng đến toàn bộ thành phố, khiến việc xác định ngay lập tức khu vực cần cứu trợ trở nên khó khăn hơn.

Sau khi hoàn thành phân tích bằng AI, kết quả cho thấy Mandalay có 515 tòa nhà bị hư hại từ 80% đến 100% và 1.524 tòa nhà khác bị thiệt hại từ 20% đến 80%. Những con số này không chỉ phản ánh mức độ nghiêm trọng của thảm họa mà quan trọng hơn, nó giúp xác định chính xác vị trí của các tòa nhà bị ảnh hưởng.
“Đây là thông tin quan trọng cho các đội cứu trợ tại hiện trường,” ông Lavista Ferres nhận định.
Microsoft cũng nhấn mạnh rằng kết quả phân tích này “chỉ nên được sử dụng như một hướng dẫn sơ bộ và cần có sự xác minh thực tế tại hiện trường để có cái nhìn đầy đủ hơn.” Tuy nhiên, trong thời gian chờ xác minh, công ty công nghệ này đã chia sẻ dữ liệu với các tổ chức cứu trợ, bao gồm Hội Chữ Thập Đỏ.
Trước đó, phòng thí nghiệm “AI for Good” của Microsoft đã từng ứng dụng AI để đánh giá thiệt hại do thiên tai. Năm 2023, nhóm này đã theo dõi trận lũ lụt thảm khốc tại Libya để dự báo rủi ro; hỗ trợ công tác phục hồi, phân tích thiệt hại từ trận động đất lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3, và đánh giá mức độ ảnh hưởng của cháy rừng tại Maui vào tháng 8, trong đó hơn 2.810 tòa nhà đã được phân tích.
Hiện tại, công tác cứu nạn tại Myanmar vẫn đang gặp nhiều trở ngại do tình trạng mất điện, thiếu nhiên liệu, gián đoạn liên lạc và sạt lở đất khiến nhiều khu vực bị cô lập. Sự thiếu hụt máy móc hiện đại càng làm phức tạp thêm quá trình tìm kiếm và cứu hộ, buộc nhiều người phải đào bới bằng tay trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
>>Xem thêm: Samsung đưa trí tuệ nhân tạo len lỏi vào mọi ngóc ngách trong căn bếp