Lý do đằng sau sự sáp nhập đầy liều lĩnh của Honda và Nissan
Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Honda và Nissan thông báo ký biên bản ghi nhớ (MOU) để thành lập một công ty ô tô trị giá khoảng 50 tỷ đô la. Việc Honda sáp nhập với Nissan sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp kể từ khi Stellantis được thành lập vào năm 2021. Hãy cùng Techie khám phá những câu chuyện thú vị đằng sau thương vụ hợp tác bạc tỷ này nhé!
Tại cuộc họp mới nhất vào thứ Ba tại Las Vegas, các giám đốc điều hành của Honda đã đưa ra thêm một số thông tin chi tiết về vụ sáp nhập, bao gồm cách kết hợp các nguồn lực và nhà máy có thể giúp các công ty duy trì khả năng cạnh tranh trong cuộc chiến ngày càng tốn kém với Trung Quốc. Tổng giám đốc điều hành Honda Toshihiro Mibe bày tỏ mối lo ngại: “Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và những đối thủ mới đã thay đổi ngành công nghiệp ô tô khá nhiều… Chúng ta phải xây dựng năng lực để chiến đấu với họ vào năm 2030, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bại”.
Trong bối cảnh thị trường xe tự hành toàn cầu phát triển bùng nổ, dự đoán sẽ đạt khoảng 60,3 tỷ USD vào năm 2025 và vươn tới 448,6 tỷ USD vào năm 2035 (theo Allied Market Research). Nếu các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản muốn duy trì vị thế dẫn đầu từ thập niên 1960, họ cần đẩy nhanh tốc độ đổi mới và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Điều này buộc Honda phải có những nước đi khôn ngoan hơn.
Honda muốn những chiếc SUV cỡ lớn và những nhà máy chưa được sử dụng hết công suất của Nissan
Honda coi Nissan là đối tác tiềm năng để chia sẻ nguồn lực, giảm chi phí phát triển các dòng xe định nghĩa bằng phần mềm (SDV) và hệ thống lái tiên tiến. Những mẫu SUV cỡ lớn như Armada và Pathfinder của Nissan cũng thu hút sự chú ý của Honda. Bởi công nghệ hybrid hiện tại của Honda chỉ giới hạn ở các dòng xe cỡ trung và có thể được nâng cấp để phù hợp với xe lớn hơn.
Đối tác lần này của Honda có phần sa sút. Thu nhập của Nissan tụt dốc tới 90 phần trăm vào năm ngoái, buộc phải sa thải hàng nghìn nhân viên. Công ty đã phải vật lộn kể từ khi cựu CEO của Nissan, Carlos Ghosn, bị bắt vào năm 2018 vì hành vi sai trái về tài chính. Chính Ghosn cũng thừa nhận rằng thỏa thuận này là “động thái tuyệt vọng và rất khó để tìm thấy sự hợp tác giữa hai công ty”.
Nhưng như các giám đốc điều hành của Honda lại nhìn thấy điểm sáng trong chiếc hợp đồng này. Hiện các nhà máy của Honda phục vụ Hoa Kỳ đang hoạt động ở công suất tối đa thì họ có thể sử dụng công suất dư thừa tại các nhà máy của Nissan để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Những đe dọa về thuế quan của Trump và việc mất các ưu đãi EV
Trước những đe dọa của Donald Trump về việc áp thuế nhập khẩu và cắt bỏ các khoản trợ cấp xe điện, Honda đối mặt với áp lực phải điều chỉnh chiến lược sản xuất. Các nhà máy ở Canada và Mexico hiện đã gần đạt công suất tối đa nhưng nếu thuế quan tăng cao, Honda có thể phải chuyển sản xuất về Nhật Bản hoặc các địa điểm khác. Đây sẽ là một bước đi tốn kém và có khả năng làm tăng giá xe đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Honda không lay chuyển cam kết điện hóa. Công ty khẳng định vẫn sẽ ra mắt dòng xe điện Zero vào năm tới, đồng thời nhấn mạnh rằng, trong dài hạn, xe điện là giải pháp cần thiết cho các vấn đề môi trường và tương lai bền vững.
>> Xem thêm: Trung Quốc đã “đánh bại” các nước khác để dẫn đầu thị trường xe điện như thế nào