Bùng nổ thị trường E-learning Việt Nam

Là cụm từ bùng nổ trong những năm gần đây nhờ hai nhân tố chính: sự phát triển của Internet và đại dịch COVID-19, E-learning đã và đang dần trở thành một phần tất yếu của đại đa số người dân Việt Nam.

Khái niệm E-learning không còn xa lạ trên thế giới

Tuy là khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng E-Learning đã là khái niệm quen thuộc với đại đa số công chúng trên toàn cầu. Trường học online được công nhận đầu tiên trên thế giới, mang tên CompuHigh, xuất hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 1994, có nhiệm vụ dạy học sinh tại Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác từ lớp 9 đến 12. Đến năm 1999, cụm từ E-Learning lần đầu tiên được sử dụng bởi Elliot Masie tại hội thảo TechLearn ở DisneyWorld.

Từ đó đến nay, E-Learning đã và đang trải qua nhiều bước nhảy vọt trong quá trình phát triển. Theo The Economist, số người tham gia học E-Learning trên thế giới đã tăng lên nhanh chóng từ khoảng 36 triệu người năm 2015 lên 60 triệu người năm 2016 và đạt gần 70 triệu người vào năm 2017. Năm 2017, thị trường giáo dục trực tuyến toàn cầu có bước phát triển nhảy vọt, đạt hơn 100 tỉ USD (kết quả nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường Global Industry Analysts).

…nhưng E-learning còn khá mới mẻ tại Việt Nam

Bắt kịp xu thế toàn cầu, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp tiên phong trong việc dạy học online, đơn cử là Hocmai.vn. Tháng 4/2007, nền tảng học trực tuyến Hocmai.vn bắt đầu đăng tải các video bài giảng của các giảng viên đại học nổi tiếng cùng kho đề thi giúp học sinh luyện tập, kiểm tra và tự đánh giá kiến thức. Để có được video bài giảng, đội ngũ sáng lập đã thuyết phục các giáo viên giỏi ghi hình hoặc xin đặt máy quay ở các trung tâm luyện thi và đạt 300.000 học sinh đăng ký tài khoản trong năm đầu tiên. Sau hơn 10 năm hoạt động, trang website hocmai.vn đã thu hút tới 3,5 triệu thành viên tham gia với trên 10.000 lượt truy cập và học tập. 

Sau hocmai.vn, một loạt các trang web học trực tuyến như Violet.vn, Topica, Onluyen.vn, Speakup.vn, Mathplay… lần lượt xuất hiện, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người dùng Việt Nam trong việc học online. 

hanh-trinh-phat-trien-e-learning-tai-viet-nam

Không chỉ về phía doanh nghiệp, các cơ quan giáo dục ở Việt Nam cũng chú trọng phát triển E-Learning với các cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-Learning” năm học 2009-2010 hay cuộc thi giải toán qua mạng tại website violympic.vn; cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng xã hội Go – ioe.go.vn… thu hút đông đảo sự quan tâm của giáo viên và học sinh trên khắp cả nước. 

Có những thuận lợi nhất định trong phát triển E-learning Việt Nam

Cũng như các ngành khác liên quan đến công nghệ, mẫu số chung và cũng là lợi thế lớn nhất của thị trường Việt Nam là số lượng người dùng Internet lớn: có hơn 60% dân số sử dụng Internet, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao. Hơn nữa, chi tiêu cho giáo dục chiếm 5,8% GDP và 20% tổng chi ngân sách (số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Với thị trường lớn như vậy, không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá ngành học tập trực tuyến là mảng thị trường đầy tiềm năng. 

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thể hiện được tiềm năng phát triển của mình khi liên tục được rót vốn đầu tư từ các quỹ, vườn ươm lớn nổi tiếng trên thế giới. CoderSchool – công ty khởi nghiệp dạy học trực tuyến cung cấp các khóa học về phát triển web, máy học, dữ liệu tại TP.HCM – vừa được rót 2,6 triệu USD (vòng Pre-Series A) bởi Monk’s Hill Ventures. Tập đoàn Educa – “ông lớn” hoạt động lĩnh vực giáo dục tiếng Anh – cũng nhận khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Redefine Capital Fund có trụ sở ở Singapore. 

dau-tu-e-learning-khung-o-Viet-Nam

Thêm vào đó, trước đây, thái độ của người dùng Việt Nam đối với giáo dục trực tuyến có phần dè chừng, đa phần do thiếu sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Sau đại dịch COVID-19, khi giáo dục trực tuyến trở thành cách thức học tập chính,  mô hình học online còn nhận được sự hưởng ứng từ các bậc phụ huynh. Học online khắc phục được hạn chế của những lớp học thêm ngoài giờ truyền thống, nơi học sinh bị nhồi nhét theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: lớp có sĩ số cả trăm em cùng lúc, phải tiếp nhận thêm rất nhiều kiến thức sau giờ học chính khóa.

Nhưng cũng xuất hiện những rào cản

Việt Nam hiện có hơn 100 startup hoạt động trong lĩnh vực EdTech. Tuy phát triển mạnh về lượng, nhưng về chất, ngành này ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng đa dạng, đa phần các khóa học chỉ xoay quanh luyện thi tiếng Anh, luyện thi Đại học hay phụ đạo bổ trợ các kiến thức đã học trên trường. Các doanh nghiệp Edtech hiện tại hoặc trong tương lai nên tránh đi vào lối mòn sẵn có, mà cần xác định và giải quyết bài toán thị trường ngách của người dùng.

Hệ thống và nguồn lực phục vụ cho Edtech tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Mức độ cập nhật bài giảng, thông tin của một số trang web vẫn còn khá chậm, từ 2-3 ngày/ lần hay thậm chí 1 tuần, 1 tháng. Với sức ép lớn từ nhu cầu học trực tuyến do đại dịch, đây cũng là một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến cần chú trọng đầu tư.

Bên cạnh đó, một thực tế nữa không thể phủ nhận là sự chênh lệch trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học trực tuyến giữa các vùng miền ở Việt Nam, thậm chí là giữa các gia đình trong cùng một khu vực thành phố. Tuy là lý do khách quan, nhưng điều này, vô hình trung, cũng làm giảm đi tốc độ phát triển của EdTech tại Việt Nam.

chenh-lẹch-dieu-kien-hoc-e-learning

Tuy vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, nhưng có một điều chắc chắn rằng: Giáo dục trực tuyến giờ đã không còn là xu thế, mà còn là nhu cầu thiết yếu của thực tại, phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân. Các doanh nghiệp E-Learning, ngoài các lý do bất khả kháng về điều kiện kinh tế – xã hội, cần tập trung phát triển tương xứng với thị trường mình đang có, trước khi trở thành “miếng bánh” béo bở của các nhà đầu tư nước ngoài.

Khám phá thêm
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm đến hơn 70%, Việt Nam luôn được coi là thị trường...