Lịch sử kỳ lạ của mã vạch: từ cứu người đến nỗi lo về tận thế
Mã vạch – những đường kẻ đen trắng mà chúng ta gặp hàng ngày trên các sản phẩm – hiếm khi được chú ý. Nhưng ít ai biết rằng trong 75 năm kể từ khi được phát minh, chúng đã góp phần cứu mạng người, được đưa vào không gian. Cùng Techie tìm hiểu nhé!
Phát Minh Mã Vạch
Vào cuối những năm 1960, Paul McEnroe – kỹ sư tại IBM – đã đưa ra ý tưởng nghe có vẻ như bước ra từ phim viễn tưởng: nhân viên siêu thị cần tia laser để quét mã hàng. Ông và nhóm của mình hình dung về các máy quét laser tại quầy thanh toán và cả thiết bị cầm tay giúp nhân viên dễ dàng quét mã sản phẩm từ xa. Đó là khởi đầu cho một phát minh làm thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành siêu thị – mã vạch mà sau này được chuẩn hóa thành Universal Product Code (UPC).
Mỗi thành viên trong nhóm của McEnroe tại IBM cũng xứng đáng được ghi nhận công lao cho Universal Product Code (UPC) – tên gọi chính thức của phiên bản mã vạch do họ phát triển. Trong số đó có Joe Woodland, kỹ sư đã nảy ra ý tưởng ban đầu về mã vạch từ nhiều thập kỷ trước, sau khi vẽ những đường thẳng trên cát tại một bãi biển. Chính ông cùng một kỹ sư khác đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho ý tưởng cơ bản về mã vạch vào tháng 10 năm 1949.
Khi Công Nghệ Bị Nghi Ngờ
Tuy nhiên, khi công nghệ quét mã vạch được giới thiệu, đội ngũ phát triển đã đối mặt với trở ngại từ đội ngũ pháp lý của IBM. Các luật sư lo ngại rằng tia laser sẽ gây tổn thương cho mắt người dùng và dẫn đến kiện tụng. Để thuyết phục, McEnroe đã phải thử nghiệm trên khỉ Rhesus nhập từ châu Phi. Sau khi chứng minh rằng mắt của chúng không bị ảnh hưởng, đội ngũ pháp lý cuối cùng đã bật đèn xanh cho dự án.
Với những nỗ lực đó, vào năm 1974, mã vạch lần đầu tiên được quét thành công tại siêu thị Marsh ở Ohio (Mỹ). Từ đó, mã vạch nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu.
Tiếng đồn cực đoan về mã vạch
Năm 1975, một bài báo trên tạp chí Gospel Call cho rằng mã vạch có thể là “Dấu hiệu của Quỷ dữ”, ám chỉ đến một lời tiên tri trong Kinh Thánh về ngày tận thế. Người viết cho rằng trong tương lai, mã vạch sẽ được “xăm laser” lên trán hoặc tay để kiểm soát mua bán.
Niềm tin kỳ quặc này không chỉ dừng lại trong các cuốn sách tôn giáo. Thậm chí, năm 2014, một công ty sữa ở Nga đã in dấu thập đỏ lên mã vạch trên bao bì để… xóa bỏ “dấu hiệu quỷ dữ”. Trong khi đó, một số nhóm tôn giáo cực đoan, như những tín đồ Chính Thống giáo ở Siberia, từ chối sử dụng bất cứ sản phẩm nào có mã vạch.
Ứng Dụng Rộng Rãi
Dù vấp phải nhiều phản đối, mã vạch nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong thương mại và y tế. Chúng giúp quản lý hàng hóa hiệu quả, tiết kiệm thời gian và giảm sai sót trong kiểm kê. Các bệnh viện hiện đại sử dụng mã vạch để theo dõi mẫu máu và thuốc men, giúp đảm bảo bệnh nhân nhận đúng loại thuốc và liều lượng.
Không chỉ có trên Trái Đất, mã vạch còn được sử dụng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Các phi hành gia dùng mã vạch để nhận dạng thiết bị, theo dõi lượng thức ăn tiêu thụ và phân tích mẫu máu, nước tiểu trong không gian.
Sự Tiến Hóa Của Mã Vạch
Sau mã vạch truyền thống, các mã QR (Quick Response) xuất hiện, mở rộng khả năng lưu trữ thông tin. Tuy nhiên, công nghệ này cũng bị lợi dụng bởi tin tặc. Tại Anh, đã có trường hợp các mã QR giả được dán lên máy đỗ xe để đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Dù có những hạn chế và nỗi lo, mã vạch vẫn là công cụ không thể thiếu. Theo GS1 – tổ chức quản lý tiêu chuẩn mã vạch toàn cầu – mỗi ngày có khoảng 10 tỷ mã vạch được quét trên khắp thế giới.
Xem thêm: Khi công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm khuyết trở thành con dao hai lưỡi