Temu vượt mặt “đồng hương” Shein thống trị bảng xếp hạng ứng dụng mua sắm tại Nhật Bản và Hàn Quốc
Temu – ứng dụng mua sắm tập trung vào các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đang từng bước vượt mặt “đồng hương” Shein tại thị trường quốc tế. Sau thành công tại các quốc gia Âu Mỹ, ứng dụng này tiếp tục thống trị App store ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng Techie cập nhật nhanh nhé!
Liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng mua sắm
Theo CNBC đưa tin, Temu đã vươn lên dẫn đầu trong danh sách ứng dụng mua sắm quốc tế tại Nhật Bản và Hàn Quốc – dựa trên phân tích từ data.ai.
Công ty phân tích dữ liệu ứng dụng cho biết, từ thời điểm ra mắt vào tháng 7 đến ngày 2/11 tại Nhật Bản, Temu đã đứng số 1 về lượt tải mỗi ngày trên iOS và Google Play trong 101 ngày trên tổng số 124 ngày.
Tương tự, tại Hàn Quốc, Temu dẫn đầu về lượt tải trong số 65 trên tổng số 93 ngày tính từ ngày 1/8 đến 2/11. Qua đó, vượt mặt AliExpress của Alibaba (25 ngày) trong khi Shein xếp trong top 5. Trong số các ứng dụng mua sắm hàng đầu tại Hàn Quốc, Temu là ứng dụng đạt 2 triệu lượt tải nhanh nhất – mất khoảng 88 ngày. Shein phải chờ đến 382 ngày còn AliExpress mất 366 ngày để cán mốc 2 triệu.
“Temu đã nhanh chóng mở rộng tầm vóc của mình từ Mỹ ra nhiều quốc gia khác nhau và chúng tôi ước tính ứng dụng hiện đã có mặt trên 40 quốc gia… nơi nó sẽ tiếp tục có cơ hội tăng trưởng trong những quý tới”. Công ty đầu tư Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo vào tháng 10.
Goldman Sachs ước tính rằng Temu hiện đang tạo ra hơn 1 tỷ USD giao dịch hằng tháng và sẽ liên tục tăng trưởng đến cuối năm 2023.
“Cuộc chiến” giữa Temu và Shein không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại điện tử mà còn liên quan đến vấn đề kiện tụng. Shein kiện Temu vi phạm quyền sở hữu trí tuế, ngược lại, Temu cũng kiện Shein về các thỏa thuận độc quyền. Tuy nhiên theo thông tin gần đây, hai bên đã đề xuất khép lại các vụ kiện này.
Sự tăng trưởng của Temu
Temu được hậu thuẫn bởi tập đoàn công nghệ PDD Holdings của Trung Quốc. Đây là công ty sở hữu ứng dụng thương mại điện tử Pinduoduo và được niêm yết trên Nasdaq (Hoa Kỳ).
Hồi tháng 9/2022, Temu lần đầu tiên được PDD đẩy mạnh ra nước ngoài tại thị trường Hoa Kỳ và nhanh chóng đạt được thành công đối với tệp khách hàng có ngân sách “không quá dư dả”. Chỉ trong vài tuần, ứng dụng mua sắm đến từ Trung Quốc đã nhanh chóng dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng trên điện thoại. Sau đó, nó nhanh chóng được mở rộng sang nhiều quốc gia như Úc, New Zealand, Pháp, Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.
Đặt trụ sở chính tại Boston, Massachusetts, Temu tập trung vào việc bán hàng hóa “Made in China”, từ thời trang đến sản phẩm gia dụng với giá rẻ cho người tiêu dùng nước ngoài.
Ứng dụng thâm nhập vào châu Á bắt đầu với Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 7 năm nay. Sau đó, nó tiếp tục “lấn sân” sang Philippines vào ngày 26 tháng 8 trước khi ra mắt tại Malaysia vào ngày 8 tháng 9.
Việc mở rộng nhanh chóng của nền tảng được cho là nhờ tận dụng sức mạnh về chuỗi cung ứng và tiếp thị của công ty mẹ. “Chúng tôi tin rằng sự phổ biến nhanh chóng của Temu được hỗ trợ bởi việc đầu tư tiếp thị cao cấp của công ty, giá cả thấp và tập trung vào khuyến mãi, cũng như thành công của các chiến dịch giới thiệu của mình,” các nhà phân tích của Berstein nhận định.
Mặc dù vậy, vẫn có không ít hoài nghi lẫn cáo buộc về chất lượng và vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng đối với Temu. Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định rằng ứng dụng này sẽ thành công tại thị trường châu Á – đặc biệt là đối với khu vực Đông Nam Á. Ví dụ điển hình là Shein dù thành công ở Mỹ, nhưng lại chật vật khi hoạt động tại các quốc gia ASEAN.
>>Xem thêm: Startup kỳ lân WeWork sụp đổ chóng vánh chỉ sau 4 năm được định giá cao ngất ngưỡng