8 cập nhật nổi bật tại sự kiện Google I/O
Google I/O là sự kiện thường niên của Google dành cho các lập trình viên và khách hàng được tổ chức tại trụ sở Mountain View, California. Google I/O đã được tổ chức vào ngày 10/5 vừa qua. Hãy cùng Techie điểm qua các cập nhật chính tại sự kiện này nhé!
I/O – viết tắt của input/out put – là dịp để Google cập nhật đến giới chuyên môn những nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ của công ty, cũng như công bố những sản phẩm/tính năng mới. Tại sự kiện năm nay, Google dành nhiều thời gian để nói về công nghệ AI mà “ông lớn” tìm kiếm đang phát triển. Bên cạnh đó, công ty cũng công bố một số sản phẩm mới cho phần cứng. Dưới đây là các công bố đáng chú ý – theo tổng hợp từ trang The Washington Post.
Điện thoại gập Pixel Fold sẽ sớm được ra mắt
Việc công bố về Pixel Fold không quá bất ngờ, bởi Google đã hé lộ một chút thông tin về nó trên Twitter trước khi hội nghị I/O bắt đầu. Tuy nhiên, tại sự kiện, người tham gia có cơ hội xem xét kỹ hơn về chiếc smartphone này.
Pixel Fold là chiếc điện thoại gập đầu tiên của Google, được trang bị màn hình ngoài 5.8 inch và màn hình bên trong 7.6 inch. Cả hai đều là màn hình OLED hỗ trợ tần số quét 120Hz.
Chiếc điện thoại có 3 camera phía sau và một cặp pin giúp cho nó có thể sử dụng được hơn một ngày với một lần sạc. Ngoài ra, nó còn tích hợp rất nhiều tính năng phần mềm độc quyền của Pixel và có thiết kế bỏng bẩy – theo đánh giá là một sản phẩm đáng để đầu tư.
Tuy nhiên, liệu điều này có thúc ép các hãng đối thủ khác – chẳng hạn như Apple – gia nhập vào thị trường điện thoại gập? Hiện tại, có lẽ không nên mong đợi điều này – theo nhà phân tích của công ty nghiên cứu Techsponential.
Ra mắt chiếc máy tính bảng mới với tính năng đặc biệt.
Các máy tính bảng chạy trên phần mềm Android của Google đã có mặt gần như kể từ khi Android được phát hành, tuy nhiên Google không phải lúc nào cũng đặt niềm tin vào chúng. Lần cuối công ty giới thiệu một chiếc máy tính bảng là từ thời kỳ Tổng thống Obama.
Song, ở sự kiện lần này, Google đã gây ngạc nhiên với chiếc máy tính bảng mới. Thay vì xây dựng một máy tính bảng truyền thống để cạnh tranh với iPad và Galaxy Tab, Google đã mang đến sản phẩm Pixel Tablet của mình với một tính năng đặc biệt: có thể dùng như máy tính bảng thông thường hoặc chuyển thành màn hình thông minh nhờ được Google trang bị đế sạc từ tính kiêm loa ngoài.
Sản phẩm sẽ được bán ra vào mùa hè này với giá khởi điểm là 499 USD.
Thu hút người dùng smartphone giá rẻ với Pixel 7a
Pixel 7a là sản phẩm smartphone giá rẻ mới nhất của Google. Chiếc điện thoại khá giống với phiên bản nâng cấp trước đó của thiết bị công ty từng phát hành vào năm ngoái. Nó sử dụng bộ xử lý Google-designed Tensor G2 – mà công ty cho biết là chìa khóa để cung cấp một số tính năng trí tuệ nhân tạo đặc trưng của dòng Pixel.
Giá khởi điểm của chiếc điện thoại Pixel 7a cũng là 499 USD. Đây là mức giá khá cao so với điện thoại cùng phân khúc trước đây của Google. Tuy nhiên với phiên bản lần này, nó đã cập nhật những tính năng hợp lý hơn.
Tích hợp một số công cụ AI trong Google Cloud
Google Cloud là một trong những dịch vụ quan trọng, góp phần tăng doanh thu cho Google. Và để giữ chân người dùng, Google đã công bố về việc cập nhật một số công cụ AI mới. Đáng chú ý là Codey – công cụ AI cho phép người dùng viết code bằng cách nhập lệnh tiếng Anh đơn giản.
Bên cạnh đó, một sản phẩm về AI khác – với tên gọi Imagen – sẽ cho phép khách hàng tạo ra hình ảnh quảng cáo hoặc các mục đích thương mại khác trong Google Cloud. Và công cụ “Chirp” cho phép khách hàng tạo ra giọng nói của robot cho quảng cáo và cuộc gọi tự động với nhiều cảm xúc và giọng điệu khác nhau.
Cập nhật AI cho Google search, được gọi là SGE
Công cụ Google Search sẽ có một cập nhật rất đáng chú ý: bổ sung ô trả lời bằng AI ở phía trên kết quả tìm kiếm. Tính năng này có tên là Search Generative Experience (viết tắt: SGE; tạm dịch: trải nghiệm tạo nội dung tìm kiếm)
Điểm khác biệt ở đây là, thay vì chỉ liên kết đến các trang web khác hoặc đoạn văn bản tóm tắt thông tin, công cụ này sẽ viết câu trả lời đầy đủ như ChatGPT.
Chatbot ‘Bard’ sẽ được mở cho mọi người
Chatbot AI Bard của Google đã được giới thiệu vào tháng 3, tuy nhiên nó vẫn còn giới hạn về số lượng người dùng vì công ty vẫn đang giai đoạn triển khai.
Giờ đây, giới hạn đó đã bị loại bỏ. Bard hiện đã có sẵn cho mọi người trên toàn thế giới với phiên bản tiếng Anh, cũng như tiếng Nhật và Hàn Quốc. Trong vài tuần tới, họ sẽ thêm phiên bản cho 40 ngôn ngữ khác, theo như công ty cho biết.
Google cũng sẽ bắt đầu cho phép các công ty tích hợp Bard vào ứng dụng và phần mềm của họ, theo con đường mà OpenAI đã đi để đưa công nghệ của mình đến với nhiều người dùng hơn. Nhìn chung, Google cần nhiều người và doanh nghiệp sử dụng chatbot này để có thể nhanh chóng cải tiến cũng như khai thác nhiều hơn những tiềm năng của nó.
Google giới thiệu PaLM 2 – đối thủ của GPT
Chatbot AI của Google vốn bị người dùng chê trách vì kém thông minh so với chatbot của Open AI – được hậu thuẫn bởi đối thủ cạnh tranh Microsoft.
Và để đáp trả, trong sự kiện I/O, Google đã ra mắt PaLM 2, sản phẩm cạnh tranh của OpenAI GPT4. Google cho biết PaLM 2 nhanh hơn, hiệu quả hơn và thông minh hơn các phiên bản trước đây. PaLM 2 được huấn luyện trên nhiều văn bản phi tiếng Anh, có thể hiểu được sự tinh vi và thành ngữ trong hàng chục ngôn ngữ khác nhau.
Ngoài ra, PaLM 2 còn giỏi hơn trong các câu hỏi về toán học, logic và có thể viết mã máy tính bằng khoảng 20 ngôn ngữ lập trình. Google sẽ đưa nó vào 25 sản phẩm, bao gồm chatbot Bard, Google Docs và Gmail.
Google cũng thông báo về các phiên bản chuyên biệt của PaLM 2 – bao gồm một phiên bản được đào tạo trên dữ liệu y tế cùng một phiên bản tập trung vào nhận dạng virus máy tính và hỗ trợ về an ninh mạng. Các phiên bản chuyên biệt này có thể được bán cho các công ty và tổ chức chính phủ.
Google nhấn mạnh rằng công ty đã phát triển trí tuệ nhân tạo từ lâu
Google đang chịu áp lực lớn từ phía các nhà đầu tư và cả các lãnh đạo chính của công ty để chứng tỏ rằng ông lớn vẫn thuộc nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Việc ra mắt một loạt sản phẩm mới được xem là động thái giúp xua tan nghi ngờ rằng Google đã sa sút so với đối thủ khác.
Và một phần trong mục tiêu tại hội nghị I/O lần này là để nhấn mạnh rằng công ty đã phát triển công nghệ AI từ lâu. Trong nhiều cuộc họp thông tin về sự kiện, cũng như các bài đăng trên blog, Google đã đề cập đến các phiên bản AI cũ trước đây và cách mà nó đã được tích hợp vào sản phẩm của Google trong nhiều năm qua.
Phần lớn các nền tảng khoa học đã giúp cho những công ty như OpenAI phát triển các công cụ AI vốn đã được xây dựng tại các trung tâm của Google bởi các nhà nghiên cứu của Google. Công ty không muốn mọi người quên điều đó.
Lần cuối cùng Google tổ chức hội nghị I/O là vào năm 2019. Kể từ đại dịch Covid, các sự kiện năm kế tiếp đều được tổ chức online. Năm nay, sự kiện của Google quay trở lại nhưng với quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, nó đã đem đến rất nhiều cập nhật đáng chú ý. Đặc biệt là cho thấy sự quyết tâm của “ông lớn” công nghệ về việc cạnh tranh AI.
>>Xem thêm: Google thay đổi cách chúng ta tìm kiếm thông tin thông qua AI