Đâu là cách sa thải oái oăm nhất mà bạn từng biết?
Hiện nay, việc sa thải hàng loạt nhân viên đã trở thành một vấn đề phổ biến ở các công ty công nghệ lớn. Ví dụ như Twitter, sau khi được Elon Musk mua lại, đã sa thải gần 3.700 nhân viên. Trong khi đó, Meta – công ty mẹ của Facebook – đã thông báo sẽ cắt giảm hơn 11.000 việc làm.
Tuy nhiên, việc sa thải hàng loạt nhân viên thường gây ra những hậu quả xấu, không chỉ ở mặt năng suất và tinh thần của nhân viên mà còn ở mặt danh tiếng của công ty. Nhiều công ty cũng đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng khi mà một công ty khác làm việc kém chuyên nghiệp và sa thải nhân viên hàng loạt. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc sa thải hàng loạt có thể gây ra các chi phí tài chính và tâm lý.
Theo giáo sư Wayne Cascio, người đã nghiên cứu về các chi phí tài chính và tâm lý con người khi đối mặt với việc sa thải trong hơn 30 năm, cho rằng sa thải hàng loạt có thể làm ảnh hưởng xấu danh tiếng của một nhà tuyển dụng. Từ quan điểm lãnh đạo cấp cao, việc sa thải hàng loạt có thể khiến một nhà tuyển dụng bị coi là vô tâm đến sự phát triển của công ty và các nhân viên. Do đó, việc sa thải hàng loạt nên được thực hiện một cách cẩn trọng và chuyên nghiệp, tránh gây ra những tác động xấu đến năng suất và danh tiếng của công ty.
Better
Một trong những công ty cho vay và thế chấp tài sản trên nền tảng số – Better, đã thu hút sự chú ý của dư luận khi thực hiện một cuộc sa thải hàng loạt 900 nhân viên thông qua Zoom vào tháng 12 năm 2021. Thông điệp được truyền đạt chỉ trong vài phút một cách vô cảm bởi Vishal Garg, CEO của Better. Công ty đã tiến hành vòng sa thải thứ hai vào tháng 3, đuổi đi 3.000 nhân viên. Tổng cộng, công ty đã thực hiện bốn vòng sa thải trong chưa đầy một năm.
Verizon
Vào đầu những năm 2000, trong bối cảnh suy thoái của ngành viễn thông, Verizon đã sa thải 2.700 kỹ thuật viên tại New York và New Jersey chỉ vài ngày trước Giáng sinh. “Tôi đã không thể tin được, mọi chuyện cứ như một cơn ác mộng,” “Đây là ác mộng của người Mỹ.” một kỹ thuật viên có hai con nói với The New York Times. Một kỹ thuật viên khác cho biết anh ta đã phải hủy bỏ kế hoạch cầu hôn bạn gái vào đêm Giáng sinh sau ba năm chờ đợi vì sợ không đủ tiền để tổ chức đám cưới.
Bird
Theo dot.LA – một tờ báo chuyên viết về công nghệ và khởi nghiệp có trụ sở tại Los Angeles, đã gọi việc cắt giảm nhân sự tại công ty xe điện Bird là “đợt sa thải đen tối”. Vào một buổi chiều, hơn 400 nhân viên đã được gửi một đường link vào một cuộc gọi Zoom. Trong Zoom trình chiếu một slide nền xám tối om và chỉ có dòng text “COVID-19” bên trên, và sau đó một giọng nói giống như robot đã sa thải các nhân viên trong khoảng hai phút. dot.LA cũng nhận xét rằng cách sa thải này rất thiếu chuyên nghiệp khi nhân viên không có cơ hội hỏi bất kỳ câu hỏi nào hay ít nhất được nghe thông báo trực tiếp từ sếp của mình.
Robbs
Robbs là một khu mua sắm tầm trung ở Hexham, Anh Quốc. Robbs được thành lập vào năm 1818 bởi William Robb. Sau gần 200 năm hoạt động, khu mua sắm này lại rơi vào cảnh nợ nần và phải giải thể. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Robbs đã bị chỉ trích là “tàn nhẫn” khi ban quản lý đã cố tình kích hoạt hệ thống báo cháy để đuổi khách hàng ra ngoài và tập hợp hơn 140 nhân viên tại khu đổ xe để thông báo rằng cửa hàng hơn 200 tuổi này sẽ đóng cửa trong vòng 2 tuần tới. Theo BBC, quyết định này được các quản lý của Robbs đánh giá là “hiệu quả và thực tế”.
Peter Atkinson, nghị viên Quốc hội khu vực Hexham, đã lên án cách thức ban lãnh đạo thông báo cho nhân viên của họ, ông nói: “Đây là một cách làm khá tàn nhẫn, đặc biệt là khi có nhiều nhân viên lớn tuổi và họ đã dành nhiều năm làm việc đầy trung thành cho Robbs”.
The Accident Group
Có lẽ việc bị người yêu đá qua tin nhắn chưa phải là tệ nhất. Vào tháng 5 năm 2003, The Accident Group – một công ty bảo hiểm Anh Quốc – đã gửi cho hơn 2.500 nhân viên một tin nhắn SMS và yêu cầu họ gọi vào số điện thoại có trong tin. Ít ai ngờ rằng, công ty đã cài sẵn một đoạn ghi âm vào số điện thoại đó: “Tất cả nhân viên được giữ lại sẽ được liên lạc trong ngày. Nếu bạn không được liên lạc, có nghĩa bạn đã bị sa thải”, theo Independent. “Tôi phải xin lỗi vì tính chất của cuộc gọi này. Tôi muốn làm điều này trực tiếp”. Không những thế, công ty còn “tặng kèm” cho người lao động một tin nhắn khác có nội dung: “Rất tiếc, chúng tôi không có tiền để trả lương cho tháng 5”.
Theo bài phỏng vấn của BBC, ông George Stourport từng là thành viên của The Accident Group nói: “Không có bất kỳ cảnh báo nào cả. Tôi rất sốc – tất cả chúng tôi đều vậy”, “Tôi gia nhập chỉ 5 tuần trước khi công ty phá sản và họ còn nợ tôi hơn 1.000 bảng”. Vì bị đối xử tàn nhẫn, nhiều nhân viên của The Accident Group đã đến văn phòng và trộm các thiết bị về nhà.
Kết bài
Có lẽ điểm chung ở những trường hợp sa thải đầy oái âm trên là sự thiếu tôn trọng nhân viên. Thay vì thông báo trực tiếp với nhân viên và cho họ cơ hội để đưa ra các câu hỏi và ý kiến, công ty đã sử dụng cách tránh mặt, có thể gọi là “hèn” để sa thải nhân viên. Việc sa thải giúp các công ty cắt giảm chi phí trong ngắn hạn nhưng lợi bất cập hại. Hình ảnh của doanh nghiệp sẽ xấu đi, những nhân viên còn trụ lại mất cảm giác gắn bó với tổ chức, giảm nhiệt tình trong công việc, dẫn tới doanh thu và khả năng đổi mới sụt giảm
Xem thêm: Giải mã Trend-Z: De-influencing là gì mà nổi bần bật trên TikTok