Mastodon – mạng xã hội vô danh nổi lên nhờ Twitter
Những hỗn loạn mà Elon Musk đang tạo ra với Twitter có lẽ đang tạo thời thế cho một mạng xã hội khác – mang tên Mastodon.
Mastodon là gì?
Mastodon là một mạng xã hội tự do mã nguồn mở, được vận hành với hình thức tự lưu trữ (self-hosting). Mastodon cho phép bất cứ người dùng nào, ở phạm vi nào cũng có thể xây dựng một hệ thống máy chủ riêng biệt, độc lập bên trong mạng lưới của nền tảng. Các máy chủ này được gọi là các instance. Thành viên trong một hệ thống instance này vẫn có thể kết nối với thành viên thuộc instance khác.
Mastodon được biết đến nhờ giao diện khá giống Twitter. Các nội dung trên nền tảng được thể hiện dưới dạng ngắn, trình tự hiển thị được quyết định bởi thời gian cập nhật, thay vì bị quyết định bởi thuật toán. Mastodon đi theo hướng phi tập trung hoá – sử dụng các máy chủ/ instance do các nhóm và cá nhân khác nhau vận hành, thay vì phụ thuộc vào một nền tảng tập trung hoá vào tay những ông lớn như Twitter, Instagram hay Facebook.
Máy chủ Mastodon có thể được hiểu như các nhà cung cấp dịch vụ email: tất cả người dùng phải tham gia một nền tảng chung, nhưng có thể giao tiếp với người dùng khác sau khi đã làm điều này. Hiện tại, hai trong số các phiên bản phổ biến nhất do chính nhà sáng lập Eugen Rochko điều hành, với nhiều phiên bản nhỏ hơn, nhưng vẫn chưa có phiên bản nào tương đương với quy mô của Gmail.
Đối tượng tiềm năng thường sử dụng Mastodon bao gồm các nhà sản xuất trình duyệt, những người ủng hộ tiền điện tử và các mạng xã hội khác.
Mastodon đang tăng trưởng ra sao?
Hướng đi của Mastodon vốn đã là đủ thú vị. Kết hợp với những diễn biến gần đây từ đối thủ Twitter, Mastodon đang lên như “diều gặp gió”. Theo The Guardian, nền tảng này, sau một khoảng thời gian dài vô danh từ khi ra mắt từ năm 2016, hiện đã tăng lên 2,5 triệu người dùng.
Bất chấp Giám đốc điều hành Twitter ra sức chê bai đối thủ, Mastodon đã tăng trưởng hơn 800%, theo Eugen Rochko – nhà sáng lập của nền tảng. Mới đây, Eugen cho biết, sự tăng trưởng của Mastodon rơi vào mức “từ khoảng 300 nghìn người dùng hoạt động hàng tháng lên 2,5 triệu giữa tháng 10 và tháng 11. Ngày càng có nhiều nhà báo, nhân vật chính trị, nhà văn, diễn viên và tổ chức lựa chọn nền tảng này”.
Mastodon cũng đang dần được chú ý nhiều hơn bởi các công ty. Pawoo, một máy chủ lớn có trụ sở tại Nhật Bản với 800.000 người dùng, đã được mua lại bởi công ty khởi nghiệp tiền điện tử Social Coop với nguồn vốn 50 triệu đô la. Social Coop, công ty điều hành mạng xã hội web3 bằng tiền điện tử Mask, cũng chạy song song hai phiên bản Mastodon khác là Mastodon.cloud và mstdn.jp.
Những con số trên đây phần nào khái quát được vị thế đang lên của Mastodon, đủ khiến người ta nhớ đến sự tồn tại của nền tảng này.
Mastodon cũng dính vào loạt “drama”
Dù không rõ động cơ là gì, nhưng Elon Musk đã bắt đầu cấm các hoạt động của người dùng trên nền tảng liên kết đến dịch vụ đối thủ. Những cái tên chịu ảnh hưởng từ quyết định này bao gồm Facebook, Instagram, Mastodon, Truth Social, Tribel, Nostr và Post.
Thế nhưng, có vẻ như Mastodon vẫn có cộng đồng ủng hộ của riêng mình. Mozilla, nhà phát triển của trình duyệt Firefox nổi tiếng, cũng bắt đầu nhảy vào cuộc đua. Mozilla vừa thông báo rằng sẽ bắt đầu chạy một máy chủ trên Mastodon.
Với quan điểm về phi tập trung hoá khá tương đồng với con đường phát triển của Mastodon, Steve Teixeira, Giám đốc sản phẩm của Mozilla, cho biết: “Chúng ta đang sống qua hậu quả của 20 năm truyền thông xã hội tập trung, dưới sự kiểm soát độc quyền của các công ty lớn. Mục đích của chúng tôi là tạo ra sự phát triển bền vững trên các mạng xã hội – không chỉ có thể tự vận hành mà còn phát triển mạnh mẽ một cách độc lập, không bị phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ”.
Một ưu điểm nữa khiến nền tảng này được lòng giới công nghệ là việc ứng dụng Activity Pub. Đây là công nghệ cho phép tất cả các dịch vụ như chia sẻ ảnh, podcast và mạng xã hội chia sẻ nội dung với nhau – tạo sự tương tác liên nền tảng trên Mastodon nhằm nâng cao trải nghiệm sử dụng cho người dùng.
Tumblr, được thành lập ngay sau Twitter và thuộc sở hữu của Yahoo! và Verizon trước khi được bán cho WordPress Automattic, sẽ bắt đầu hỗ trợ công nghệ này trong tương lai gần, theo người sáng lập Matt Mullenwegg. Tumblr cũng đang “giải quyết một số vấn đề”, nhưng có vẻ cũng sẽ “học lỏm” hướng đi của Mastodon – bổ sung khả năng tương tác liên nền tảng và hỗ trợ ActivityPub ngay khi có thể.