Công nghệ nào được sử dụng tại World Cup 2022?
Công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong World Cup 2022. Tất cả mọi thứ, từ nhiệt độ sân vận động đến những quả bóng, đều được vận hành bởi các cảm biến và thuật toán.
Thủ đô Doha hiện tại đang là tâm điểm chú ý của giới mộ điệu bóng đá toàn thế giới bởi sức nóng của FIFA World Cup 2022. Nhiều người lo ngại về nắng nóng ở Qatar. Các quan chức chính phủ đang đặt sự an toàn của công chúng là ưu tiên hàng đầu. Nhiều lùm xùm về nhân quyền tại đây vẫn chưa được gỡ bỏ.
Tuy không phải là giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề, nhưng công nghệ có thể là một phần nhỏ của câu trả lời. Đội ngũ tổ chức đang dựa vào các công nghệ hiện đại nhất để kiểm soát hầu hết mọi hoạt động tại World Cup lần này: từ dữ liệu về các quả bóng được sử dụng trong trận đấu cho đến camera theo dõi mọi cử động của cầu thủ và khán giả. Những điều này mang lại sự tò mò và hiếu kì nhất định cho các fans hâm mộ.
Cùng điểm qua những công nghệ nổi bật đang được sử dụng tại sự kiện:
Cảm biến thu thập dữ liệu từ quả bóng
Các quả bóng thi đấu chính thức do Adidas sản xuất sẽ được trang bị cảm biến chuyển động bên trong. Cảm biến sẽ báo cáo dữ liệu vị trí chính xác của quả bóng 500 lần/ giây, nhằm hỗ trợ các trọng tài đưa ra các quyết định chính xác hơn.
Quả bóng chứa cảm biến đã được thử nghiệm tại một số giải đấu bóng đá trước đó và không có ảnh hưởng cụ thể nào lên quá trình thi đấu của các cầu thủ. Các quả bóng này được sử dụng trong tất cả 64 trận của giải đấu và mọi thông tin sẽ được gửi đến trung tâm dữ liệu, nơi các đội ngũ giám sát có thể sử dụng để theo dõi số liệu thống kê và kiểm soát diễn biến trận đấu.
Trợ lý trọng tài video
Bất kì ai theo dõi một trận đấu bóng đá sẽ đều có những bất đồng nhất định với những quyết định từ tổ trọng tài.
Với giải đấu này, đội ngũ tổ chức sẽ giảm thiểu tranh cãi, bằng cách sử dụng trợ lý trọng tài video (Video Assistant Referee – VAR) được hoàn thiện bằng các thuật toán và điểm dữ liệu, giúp các trọng tài trên sân đưa ra quyết định chính xác.
Công nghệ đã được thử nghiệm tại World Cup 2018 và đã được cải tiến cho các trận đấu năm nay.
Hệ thống này sẽ dựa vào các camera gắn bên dưới mái sân vận động để theo dõi quả bóng chứa cảm biến kết hợp với 29 điểm dữ liệu trên cơ thể mỗi cầu thủ, với tốc độ 50 lần mỗi giây.
Các điểm dữ liệu này sẽ được đưa vào hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhằm hỗ trợ trọng tài có thêm dữ liệu để đưa ra quyết định phù hợp về các quả phạt đền, chẳng hạn như ai sẽ bị việt vị.
Cụ thể, một cảnh báo tự động sẽ được gửi đến tổ giám sát trận đấu bên trong phòng điều hành video để xác thực và đề xuất các quyết định, trước khi được thông báo cho trọng tài.
Hệ thống làm mát sân vận động
Nhiệt độ ngay từ đầu đã là một vấn đề đáng lưu tâm khi Qatar đăng cai tổ chức World Cup. Tuy chưa đạt đến mức đỉnh điểm, nhưng thời tiết ở Qatar có thể trở nên nóng hơn nhiều trong tháng tới.
Chính vì vậy, ban tổ chức hiện đang sử dụng một hệ thống làm mát tiên tiến, được thiết kế bởi Saud Abdulaziz Abdul Ghani – một giáo sư người Qatar. Không khí sẽ được hút vào các đường ống và lỗ thông hơi trong sân vận động, sau đó được làm mát, lọc sạch và đẩy ra ngoài. Hệ thống này sẽ tạo ra một bầu không khí mát mẻ bên trong sân vận động, tại đây cũng sẽ có các cảm biến sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ.
Đặc biệt, hệ thống chỉ tập trung làm mát ở những nơi đang có người hiện diện, với khả năng giữ ở nhiệt độ từ 64 đến 75 độ F.
Máy ảnh và thuật toán
Hơn 15.000 camera sẽ theo dõi chuyển động của những người có mặt trong sân vận động trong suốt các trận đấu. Cụ thể, chúng sẽ được trải rộng trong tất cả 8 sân vận động. Tại sân vận động Lusail, nơi diễn ra trận đấu chung kết với sức chứa 80.000 người, công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ được sử dụng để theo dõi người hâm mộ. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra những lo ngại về quyền riêng tư.
Ngoài ra, các thuật toán sẽ được sử dụng để nỗ lực ngăn chặn các vụ giẫm đạp trong sân vận động trong trường hợp xấu nhất, tương tự như vụ giẫm đạp tại trận bóng đá ở Indonesia vào tháng trước khiến hơn 130 người thiệt mạng.
Các bộ phận kiểm soát sẽ có khả năng theo dõi và dự báo tình trạng của đám đông, được thực hiện dựa trên dữ liệu từ doanh số bán vé và cổng vào sân vận động.
Dự đoán nhà vô địch
Viện nghiên cứu Alan Turing ở Anh đã tạo ra một thuật toán để dự đoán đội nào có nhiều khả năng vô địch World Cup năm nay.
Thuật toán này được phát triển dựa trên thuật toán trước đó có tên AIrsenal (2018) cho trò chơi trực tuyến Fantasy Premier League. Viện nghiên cứu này dựa vào bộ dữ liệu từ GitHub, một diễn đàn chia sẻ code, nhằm theo dõi kết quả của tất cả các trận đấu bóng đá từ năm 1872 đến nay. Mô hình này gần đây đang thông tin nhiều hơn về các trận đấu thuộc khuôn khổ World Cup.
Đồng thời, thuật toán cũng đã được thử nghiệm liên tục 100.000 lần.
Kết quả dự đoán cho thấy Brazil đã vô địch giải đấu với tỷ lệ khoảng 25%; Bỉ được dự đoán sẽ chiếm 18% cơ hội; Argentina chiếm tỷ lệ dưới 15%.