Facebook thay đổi cơ chế hiển thị News Feed để cạnh tranh với Tiktok?
Trong một cuộc phỏng với tờ Wired, Tom Alison – Giám đốc điều hành của Meta phụ trách Facebook đã chia sẻ về sự cạnh tranh với TikTok và luận điểm của ông về việc thay đổi thuật toán của Facebook nhằm nâng cao trải nghiệm và tối ưu tính cá nhân hóa cho người dùng.
Sự cạnh tranh giữa TikTok và Facebook
Có ý kiến hoài nghi rằng Facebook thay đổi cách hiển thị trên bảng tin vì giới trẻ hiện nay có xu hướng truy cập TikTok nhiều hơn Facebook, và người trẻ có xu hướng thiên về giải trí hơn là đơn thuần kết nối với mọi người.
Người dùng Facebook vẫn chia sẻ với bạn bè về những khoảnh khắc trong cuộc sống, tuy nhiên thay vì đăng trên trang cá nhân, đa số người dùng ngày càng sử dụng Story nhiều hơn. Story là định dạng mà bài đăng sẽ sẽ biến mất sau 24 giờ. Với tính năng phản hồi qua Story, người dùng có thể chia sẻ thông tin cũng như có những cuộc trò chuyện riêng tư hơn với những người quan tâm đến câu chuyện mà họ đăng tải.
Theo Alison, các nội dung được đăng tải theo dạng broadcast (dạng bài đăng hướng đến những người tiềm năng thay vì chỉ hiển thị với bạn bè trong Friends list) sẽ tiếp cận được một lượng lớn người xem – kể cả những người ít tương tác hay không có trong danh sách bạn bè vẫn có thể dễ dàng kết nối để cùng trải nghiệm nội dung. Do đó, Facebook đang nỗ lực để gia tăng sự kết nối của người dùng với những người họ biết và những người họ quan tâm bằng những nội dung truyền cảm hứng. Những nội dung này có thể trở thành chủ để giúp người dùng dễ dàng mở chuyện với nhau hơn.
Nói một cách dễ hiểu hơn, cơ chế hiển thị trên News Feed của Facebook sẽ tương tự với TikTok, bắt đầu đề xuất nhiều bài đăng từ người dùng khắp mọi nơi.
Hành vi của người dùng với Bảng tin Facebook đã có nhiều thay đổi
Thời gian cũng như hành vi của người dùng trên Bảng tin Facebook đã có nhiều thay đổi so với những năm trước đây. Hiện nay, khi chúng ta đăng nội dung lên Facebook, bạn bè có thể nhìn thấy nó trên cả story và bảng tin. Lý do là vì Facebook đã ưu tiên thuật toán cho phần Story dễ dàng truy cập hơn, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho các công cụ sáng tạo của Story. Bên cạnh đó, Facebook cũng bắt đầu nghiên cứu về việc tích hợp Story vào Bảng tin để người dùng không bỏ lỡ bất kỳ Story mới nào.
Ngoài ra, hơn một nửa thời gian người dùng sử dụng Facebook hiện nay đổ vào các định dạng video. Do đó, Facebook cũng đang ưu tiên đưa phần Reels vào Bảng tin cũng như vào mục nội dung đề xuất, song song với việc phát triển các dạng video dài và video phát trực tiếp trong tương lai.
Những cập nhật mới về tính năng
- Discovery Engine
Discovery engine là công cụ tối ưu nội dung hiển thị trên trang chủ của Facebook. Công cụ này sẽ hiển thị Story từ bạn bè, Reels từ những nhà sáng tạo nội dung hay những người bạn đang theo dõi. Ngoài ra, nó cũng sẽ bao gồm cả các đề xuất và nội dung từ những người mà bạn kết nối. Discovery Engine ra đời bởi ý tưởng “Facebook là nơi bạn khám phá những điểm chung với những người khác”.
Trên một số bài đăng nhất định trong Bảng tin, Facebook cho phép người dùng phản hồi rằng họ muốn xem nội dung như vậy nhiều hơn hay ít hơn. Người dùng luôn có thể ẩn, chặn hoặc đưa một người dùng vào danh sách yêu thích. Tính năng “Xem nhiều hơn/Xem ít hơn” sẽ được áp dụng trong vòng 30 đến 60 ngày. Facebook sẽ tiếp tục xem xét các lượt thích, bình luận và tất cả các cách thức tiềm năng khác có thể tối ưu mức độ cá nhân hóa nội dung cho người dùng. Lắng nghe ý kiến từ người dùng là cách Facebook xây dựng Discovery Engine.
- People You Should Know
Có lẽ người dùng đã từng trải nghiệm tính năng với tên gọi People You May Know (Những người bạn có thể biết) ở phần đề xuất kết bạn trên Facebook. Hiện nay, Meta còn cho phép người dùng trải nghiệm nhiều hơn thế với tính năng People You Should Know (Những người bạn nên biết). Chẳng hạn, nếu bạn là người yêu thích ẩm thực, Facebook sẽ không chỉ gợi ý cho bạn những nhà hàng nổi tiếng, mà còn giới thiệu cho bạn những trang của các nhà sáng tạo nội dung liên quan đến ẩm thực.
Lược dịch từ: Meta Rethinks the Philosophy of the Facebook Feed