Câu chuyện phía sau các Font chữ nổi tiếng
Mỗi font chữ đều đi kèm với một câu chuyện, lịch sử phát triển riêng. Thậm chí, một vài font chữ đặc trưng còn có cả fan hâm mộ! Vậy bạn đã biết về những câu chuyện thú vị đằng sau các font chữ nổi tiếng kia chưa? Hãy để Techie bật mí cho bạn nhé!
1. Times New Roman
Times New Roman được sử dụng lần đầu tiên trên tờ The Times của Anh vào năm 1931. Font chữ thông dụng này ra đời vì nhà xuất bản cho rằng họ cần một font “cứng cáp” hơn so với các font chữ đang được sử dụng ở thế kỷ 19.
Cha đẻ của font Times New Roman là nhà thiết kế kiểu chữ nổi tiếng Stanley Morison, cùng với sự giúp đỡ của nhà soạn thảo Victor Lardent đã bắt đầu lên ý tưởng về font chữ mới với hai mục tiêu: tối đa hóa số lượng chữ trên trang và giúp đọc giả đọc nhanh hơn. Việc tối đa hoá số lượng chữ trên một trang sẽ giúp việc in ấn tiết kiệm hơn – một điều kiện cần thiết trong kinh doanh báo chí.
Lúc bấy giờ, Times New Roman rất được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên nhiều tờ báo, sau đó nhanh chóng trở thành font chữ phổ biến trong các nhà máy in. Trải qua nhiều thập kỷ, Times New Roman đã trở thành một trong những font chữ mặc định luôn có sẵn trong các thiết bị điện tử, càng chứng minh rằng người dùng cực yêu thích font chữ này .
2. Calibri
Calibri được xem là “em út” trong danh sách này vì nó chỉ mới ra đời vào năm 2004. Câu chuyện tạo ra Calibri bắt đầu khi nhà thiết kế font chữ Lucas de Groot được tuyển vào làm việc cho một khách hàng “bí mật”. Vị khách hàng này đã yêu cầu một font chữ mang nét hiện đại và phải tối ưu hoá cho việc hiển thị trên màn hình máy tính. De Groot đã tạo ra Calibri bằng cách chỉnh sửa lại bộ font chữ mà ông đã thiết kế từ bảy năm trước, chỉ thay đổi về độ rộng và độ cong của chữ cái. Sau khi hoàn thành font chữ, ông mới biết “vị khách hàng bí mật” kia chính là Microsoft.
Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Calibri luôn được mọi người ưu ái sử dụng. Bằng chứng là font chữ này được đặt làm font chữ mặc định cho tất cả các phần mềm của Microsoft từ năm 2007.
3. Helvetica
Helvetica là một trong những font chữ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Helvetica được phát triển vào năm 1957 bởi 2 nhà thiết kế kiểu chữ người Thụy Sĩ là Max Miedinger và Eduard Hoffmann, và sau này được công ty in ấn Linotype mua lại. Đây là font chữ mặc định được các nhà thiết kế đồ họa ưa thích, được sử dụng rộng rãi trong ngành nghệ thuật và thời trang.
Có không ít công ty lớn trên thế giới sử dụng font Helvetica cho logo của mình, điển hình như: Target, Jeep, JCPenney…Điều này càng chứng tỏ sức ảnh hưởng của Helvetica trong văn hoá đại chúng.
Apple từng có một thời “say đắm” Helvetica khi áp dụng font chữ này vào tất cả sản phẩm của họ từ 2007 đến tận 2015. Phải đến tận năm 2015, khi Apple Watch ra mắt, Apple mới nhận ra rằng Helvetica không còn phù hợp với hệ sinh thái của mình. Lý do vì khả năng hiển thị chữ trên màn hình cỡ nhỏ của Helvetica không tối ưu. Apple đã thay thế Helvetica bằng font San Francisco – font chữ thích hợp với các thiết bị có size màn hình nhỏ như Apple Watch hay Iphone.
4. Arial
Arial được thiết kế bởi Robin Nicholas và Patricia Saunders vào năm 1982. Font chữ này được tạo ra với mục đích phục vụ cho ngành kỹ thuật số. Do đó, nó mang font cách ‘đương đại’ hơn so với các font chữ tiền nhiệm. Lần đầu tiên Arial được sử dụng là vào năm 1992 trên hệ điều hành Windows 3.1.
Arial đã phải đối mặt với nhiều ý kiến tiêu cực vì quá giống với font chữ tiền nhiệm “Helvetica”. Nhiều người còn cho rằng Microsoft cố tình tạo ra một kiểu chữ “nhái” Helvetica để tránh phải trả phí bản quyền cho Linotype. Theo phân tích, mặc dù Arial được tạo ra dựa trên họ kiểu chữ Monotype Grotesque, nhưng lại gần giống với Helvetica ở độ rộng (glyph widths) và tỷ lệ.
Dù bị ném đá như thế nhưng Arial vẫn là lựa chọn phổ biến cho các ấn phẩm quảng cáo, áp phích, thiết kế sách bởi tính dễ đọc khi hiển thị ở mọi kích thước lớn nhỏ.
Bài viết này thuộc series Glad You Asked của Techie – chia sẻ những kiến thức công nghệ nhỏ nhặt, thường bị bỏ lỡ nhưng vô cùng lí thú. Nhấn vào đây để xem thêm các bài viết thuộc series này.