3 quyết định táo bạo giúp Netflix trở thành kẻ thống trị
Netflix được sáng lập bởi Marc Randolph và Reed Hastings vào năm 1997. Từ con số 0, đến hiện tại, Netflix đã trở thành gã khổng lồ thống trị thị trường phim ảnh. Để có được thành công ngày hôm nay, hãng phim này đã không ít lần đưa ra những cú bẻ lại bất ngờ trong suốt 25 năm qua.
Quyết định táo tạo đầu tiên
Netflix được ra đời từ câu chuyện đi làm hàng ngày của 2 người bạn Marc Randolph và Reed Hastings. Lấy cảm hứng từ mô hình thương mại điện tử Amazon vào thời điểm đấy, hai người bạn đã quyết định mở ra 1 hãng chuyên mua bán và cho thuê băng đĩa có kết hợp ứng dụng công nghệ. Khách hàng sẽ không cần phải đi mua, đổi trả trực tiếp tại cửa hàng như hãng Blockbuster – ông lớn trong ngành cho thuê băng đĩa thời bấy giờ.
Thế nhưng mọi chuyện không hề diễn ra suôn sẻ. Marc và Reed đã vấp ngay phải khó khăn đầu tiên khi loại băng VHS phổ biến lúc đó lại khá cồng kềnh và tốn chi phí lớn để có thể gửi đến tay người dùng. May thay, cùng thời điểm này băng DVD đã ra đời giúp Netflix giải quyết được trở ngại đầu tiên.
Sau một thời gian kinh doanh, Netflix đã thu được lợi nhuận khiến Marc và Reed cũng phải bất ngờ. Đa phần, lời nhuận này chủ yếu đến từ dịch vụ mua bán băng đĩa của Netflix. Thế nhưng, đôi bạn đã đi đến một quyết định bất ngờ: từ bỏ hình thức mua bán băng đĩa, tập trung phát triển dịch vụ cho thuê đang lỗ của mình.
Chính nhờ quyết định táo bạo này đã giúp đôi bạn tránh được cuộc cạnh tranh khốc liệt trong giai đoạn non trẻ với những hệ thống siêu thị có bán băng đĩa qua đường bưu điện như Walmart, Amazon vốn đã quen thuộc với thị trường thời bấy giờ. Nhờ sự tiên liệu chính xác này, Netflix đã tiếp tục đứng vững thị trường phim ảnh những ngày tháng sau đó.
Chuyển mình làm nên tên tuổi
Dịch vụ cho thuê băng đĩa của Netflix được khách hàng khá ưa chuộng khi họ không bị phạt bất cứ khoản phí nào, với điều kiện chỉ cần họ trả lại đĩa cũ trước khi thuê đĩa mới.
Đến năm 2000, Netflix đưa ra những cải tiến về dịch vụ khi chỉ cần khách hàng đưa ra một khoản tiền cố định để có thể thuê băng đĩa thoải mái không giới hạn số lượng.
Thế nhưng, Netflix không ít lần gặp khó khăn, thậm chí đã tính đến chuyện bán cho Blockbuster chỉ với giá 50 triệu đô la. Nhưng may thay, Blockbuster cười cợt vào những ý tưởng của họ và không có bất cứ thương vụ nào diễn ra. Tuy nhiên, Marc Randolph đã rời khỏi Netflix và Reed Hastings tiếp tục duy trì những thương vụ bất ngờ của mình.
Đến năm 2010, Blockbuster đã chính thức phá sản khi không bắt kịp xu hướng thị trường. Trong khi đó, ở giai đoạn này, Netflix vẫn không ngừng đưa ra những hình thức đổi mới để có thể duy trì công việc làm ăn của mình. Sau 1 thời gian hãng băng đĩa đã có những thành công khởi sắc, họ đã có 1 ý tưởng làm nên cú chuyển mình tiếp theo của Netflix: để người dùng truy cập vào kho phim của mình, lựa chọn và tải phim về xem.
Để có thể thực hiện ý tưởng này, Netflix đã phải vất vả thương lượng với 3 hãng phim lớn lúc bấy giờ là Paramount, Lionsgate và Metro-Goldwyn-Mayer với một hợp đồng trị giá 1 tỉ đô la trong vòng 5 năm. Dịch vụ được gọi tên là “streaming” này đã tạo ra thành công vang dội và không còn xa lạ gì đối với người dùng cho đến ngày nay.
Bước ngoặt thứ 3 thống trị nền điện ảnh
Tuy nhiên, Netflix vẫn rơi vào thế bị động khi khách hàng của họ không thể xem ngay những bộ phim mới ra rạp. Đồng thời, Netflix cũng cần chờ các hãng làm đĩa DVD hay Bluray bán ra thị trường trong ít nhất 28 ngày trước khi khách hàng có thể sử dụng dịch vụ streaming đối với những bộ phim này.
Để xoay chuyển tình hình, Netflix quyết định tự làm phim của riêng mình để không phụ thuộc quá nhiều vào các hãng phim. Thời gian đầu, họ thuê các đơn vị làm phim và “gắn mác” Netflix. Cũng chính từ đây Netflix đã làm nên nhiều series đình đám như House of Cards, Orange Is the New Black, Daredevil, Jessica Jones,…
Hiện tại, Netflix cũng có những khoản vay nhất định để có thể duy trì công việc kinh doanh. Thế nhưng, đây không phải là điều đáng quan ngại khi họ vẫn đang duy trì tốc độ phát triển, thu hút nhiều bên muốn hợp tác. Đồng thời, kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm với những định hướng khác nhau đã giúp Netflix có 1 nguồn hiểu biết phong phú. Điều này giúp Netflix có nhiều thuận lợi trong việc phát triển thương hiệu và nắm bắt tâm lý khách hàng.
Hướng đi hiện tại của Netflix đã dần thống trị nền điện ảnh cũng như thói quen giải trí của người xem. Điều này hoàn toàn có thể được chứng minh khi 15% lưu lượng truy cập web của thế giới tới từ Netflix . Chỉ trong vài tháng đầu tiên khi dịch Covid-19 bùng phát, lưu lượng phát trực tuyến đã tăng thêm 12%.
3 quyết định táo bạo đã dần đưa Netflix trở thành gã khổng lồ trong nền điện ảnh, đồng thời trở thành xu hướng dẫn đầu trong loại hình giải trí này. Để đáp ứng tốc độ thay đổi của thị trường, rất có thể, Netflix sẽ tiếp tục tung ra nhiều cú bẻ lái tiếp theo trong sự nghiệp của mình.
Nguồn tham khảo: tuổi trẻ online