Top 4 các startup EdTech Việt Nam gọi vốn thành công
Với sự bùng nổ thị trường E-Learning tại Việt Nam, các startup trong ngành này đang nhanh chóng tăng tốc, cải thiện về mô hình cũng như quy mô hoạt động, góp phần đặt tên Việt Nam lên bản đồ E-Learning trên thế giới. Vậy, những startup EdTech đó là ai, và chìa khoá dẫn họ đến thành công của các vòng gọi vốn là gì, cùng Techie tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. CoderSchool
Được thành lập vào năm 2015 và điều hành bởi Charles Lee và Harvey Trung, CoderSchool chuyên tập trung giảng dạy lập trình online, đặc biệt trong lĩnh vực học máy, khoa học dữ liệu và phát triển web để trang bị cho học viên những kỹ năng có thể giúp họ tìm kiếm việc làm. Hệ thống phân tích dữ liệu của CoderSchool giúp cải thiện hiệu suất cá nhân của từng học sinh đồng thời cho phép EdTech này tăng quy mô lớp học.
Với mức phát trưởng đáng kinh ngạc – tăng 100% hàng quý về số lượng học viên đăng ký theo học các khoá online, CoderSchool đã nhận được 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-series A do quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures dẫn dắt cho dự án EdTech này.
2. Marathon
Marathon là kênh dạy thêm livestream trực tuyến được thành lập vào đầu năm 2021. Công ty đã nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trên thị trường EdTech nhờ mô hình khác biệt – không thu sẵn nội dung và phát lại như một số nền tảng học trực tuyến khác. Việc chú trọng vào việc dạy livestream trực tiếp giúp tạo sự kết nối giữa giáo viên và học sinh, tăng tính tương tác nhằm mang lại những trải nghiệm dạy và học thật sự sinh động, thú vị.
Chính vì vậy, Marathon trở thành 1 trong những startup EdTech đầu tiên tại Việt Nam gọi vốn thành công với hơn 1,5 triệu USD từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ đồng thời là đơn vị thứ 7 tại Việt Nam nhận được đầu tư từ Y Combinator – vườn ươm startup hàng đầu thế giới hiện nay.
3. Educa
Với sứ mệnh “Sử dụng công nghệ để xóa nhòa khoảng cách về điều kiện học tập”, Educa tập trung vào việc giải quyết hạn chế, khó khăn trong việc học Tiếng Anh của đại đa số học sinh Việt Nam. Nhờ con số tăng trưởng ấn tượng – 500.000 người dùng trả phí chỉ sau 3 năm ra mắt, Educa đã nhận được khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A từ quỹ đầu tư Redefine Capital Fund có trụ sở ở Singapore.
Sau thương vụ này, Educa sẽ đẩy mạnh hạ tầng kỹ thuật và nghiên cứu sản phẩm mới, hướng tới mục tiêu đạt 2 triệu người dùng trả phí trên tổng thị trường 20 triệu học sinh Việt Nam vào năm 2025.
4. Clevai
Nhận được 2,1 triệu USD tại vòng Pre Series A từ Altara Ventures, Clevai là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách này. Clevai có lợi thế lớn trong khả năng phân tích lịch sử học tập của từng học sinh vì ứng dụng AI trong mô hình lớp học trực tuyến hai thầy một trò, và tập hợp đội ngũ giáo viên đến từ các trường học hàng đầu trên toàn quốc. Trải nghiệm học tập, tài nguyên học ở Clevai đảm bảo lộ trình phù hợp theo từng cá nhân, phản hồi kịp thời để đảm bảo sự tiến bộ.
Hệ thống AI này cũng sẽ là hạng mục được Clevai chú trọng cải thiện sau khi nhận được khoản đầu tư, bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ livestream trong dạy học.
Qua bài viết này, mong rằng các bạn độc giả đã phần nào hiểu thêm về bức tranh E-Learning ở Việt Nam. Để hiểu thêm về ngành này cũng như xu hướng phát triển của nó trong tương lai, mời các bạn theo dõi series bài viết này trên Techie tại đây.