Đầu tư mạo hiểm và Đầu tư thiên thần – Khác nhau thế nào?
Đầu tư mạo hiểm hay đầu tư thiên thần đều chỉ việc rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn sơ khởi, cần nguồn lực về tài chính, nhân sự, tư vấn để phát triển doanh nghiệp. Vậy rốt cuộc thì, 2 hình thức này khác nhau ở điểm nào?
Về thời điểm đầu tư
Các đơn vị khởi nghiệp thường sẽ cần khoản đầu tư sau khi vòng gọi vốn đầu tiên bắt đầu cạn dần – nguồn vốn của bản thân, vay mượn bạn bè hay ngân hàng. Các nhà đầu tư thiên thần thường sẽ rót vốn trước, giúp startup phát triển đến một mức độ tiềm năng nhất định. Các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ nhảy vào cuộc chơi khi đơn vị khởi nghiệp đã có chút “thành tựu” ban đầu.
Theo bà Courtney Lawless, một nhà đầu tư ở MoxeHub, trong khi các nhà đầu tư thiên thần tìm kiếm ý tưởng tốt, đại đa số các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ cần có POC – Proof of Concept – tạm dịch: “bằng chứng cho khái niệm”; hiểu nôm na là một cách thức thử nghiệm, chứng minh tính khả thi của sản phẩm.
Về nguồn vốn
Các nhà đầu tư thiên thần thường là những người đầu tư bằng tiền của chính mình, thường tránh can thiệp vào các chính sách và quyết định của doanh nghiệp. Theo Dave Lavinsky, đồng sáng lập của Growthink, mức đầu tư thường chỉ trong khoảng 10.000 đến 100.000 USD.
Ngược lại, các nhà đầu tư mạo hiểm sử dụng nguồn vốn của người khác để ra quyết định đầu tư, có thể ký kết đầu tư lên đến 2 tỷ USD hoặc hơn. Chính họ cũng trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành của doanh nghiệp sau khi đầu tư. Tuy nhiên, đôi khi, họ cũng rót vốn bằng chính nguồn lực của mình.
Cả 2 hình thức đầu tư này chính là bước đệm, là bệ phóng cho các startup tiếp tục đi trên con đường khởi nghiệp. Có thêm các thiên thần hộ mệnh này, các nhà sáng lập, ngoài nguồn vốn, có thể có thêm người bạn đồng hành và người dẫn dắt startup đi đúng đường khởi nghiệp – vốn đã là con đường khó khăn chẳng mấy ai đi.
Tm hiểu những hình thức gọi vốn thường thấy tại các startups thành công qua series bài viết #đầu tư startup trên Techie tại đây.