14 năm Người Sắt Iron Man chào sân Vũ Trụ Điện Ảnh Marvel – May ngày ấy không phải là “bom xịt”!
Đã có bao giờ bạn tự hỏi, sao Iron Man lại là siêu anh hùng mở màn cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe)?
Ngày 14/04/2008, đúng 14 năm về trước, Iron Man 1 đã có buổi công chiếu đầu tiên tại Sydney, Úc, mở màn cho các bom tấn tiếp theo trong Vũ trụ Điện Ảnh Marvel. Rất may ngày ấy, Iron Man 1 không phải là “bom xịt”. Nếu không, chẳng biết chừng, ở thời điểm này, chúng ta đã không biết Vũ trụ Điện Ảnh Marvel hay I love you 3000 là gì.
Đây là câu chuyện mà khắp các mặt báo khi ấy đã tường thuật để trả lời câu hỏi, tại sao lại là Iron Man. Chuyện kể rằng: Marvel Studios đã tập hợp 1 nhóm học sinh và cho các em xem loạt ảnh siêu anh hùng kèm theo phần mô tả khả năng của từng nhân vật. Cuối cùng, họ hỏi rằng nếu được lựa chọn 1 (hoặc nhiều) siêu anh hùng để làm đồ chơi, các em sẽ lựa chọn ai. Câu trả lời lúc đó là Iron Man – Người Sắt. Chuyện này dựa trên nội dung trong cuốn “The Big Picture: The Fight for the Future Movies” của nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Ben Fritz.
Câu chuyện này nói cho chúng ta biết điều gì? Làm việc phải có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng ư? Rằng Marvel ở thời điểm đó đã nhắm đến việc sản xuất đồ chơi, mô hình siêu anh hùng cho trẻ em?
Trên thực tế, Iron Man 1 ra mắt với nhãn PG-13: phim có một số chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi (hay nói cách khác, không phù hợp với trẻ chưa đến tuổi teen). Nếu đã định hướng sản xuất đồ chơi, mô hình siêu anh hùng, lẽ ra, bộ phim nên có nhãn G (General Audience – All ages admitted) hoặc cùng lắm là PG (Parental Guidance Suggested – Some materials may not suitable for children).
Liệu đây có phải là lên kế hoạch 1 đường nhưng thực thi 1 nẻo? Hoặc là nỗ lực kỳ quặc nào đó nhằm thu nhỏ phân khúc tiếp cận của mình, mà lẽ ra, theo logic thông thường, mở rộng mới là sự lựa chọn hợp lý hơn?
Trước khi được người người nhà nhà biết đến như hiện tại, so với hệ thống siêu anh hùng đồ sộ trong thế giới truyện tranh của Marvel (Marvel Comics), Iron Man chỉ là nhân vật xếp hạng 2, hay thậm chí hạng 3.
Lúc đó, người được giao vai Tony Stark, Robert Downey Jr. lại là một tài tử có quá khứ bất hảo với những vấn đề pháp lý hay tiền sử lạm dụng chất kích thích. Sự nghiệp của Robert Downey Jr. khi ấy đang chững lại vì không ít nhà sản xuất phim Hollywood e ngại phong cách trễ nải, bê tha trên phim trường của nam diễn viên, chẳng khác nào một quả bom nổ chậm, gây ảnh hướng đến công sức chung của tập thể. Thậm chí, vào năm 2002, series truyền hình Ally McBeal đã cương quyết loại bỏ Robert – dù cho anh được xem là nhân tố chính tạo ra thành công cho chương trình.
Nhân vật nguyên tác chỉ ở mức hạng 2 đã đành, đến tài tử đảm nhiệm cũng không có mấy gì sáng sủa (nếu không nói là có hơi hướng đi ngược lại với thiên hướng giáo dục làm gương cho con trẻ). Nhà sản xuất hoàn toàn có thể chọn một gương mặt mới toanh song có đời tư trong sạch nếu muốn nhắm đến việc phát triển mô hình, đồ chơi trẻ con. Hà cớ gì cứ phải chọn một người đã từng hút cần sa năm 8 tuổi theo lời mời từ … bố mình?
Vậy thì, cái câu chuyện nghiên cứu kể trên, đến đây không biết là thật hay giả?!?!
Nếu Iron Man 1 thất bại (lúc chào sân thì cũng không rõ có Iron Man 2 hay 3, nên trên thực tế, bộ phim cũng đơn thuần chỉ là Iron Man khi ra mắt), nhà sản xuất cũng không mất gì: không ảnh hướng tiếng tăm sẵn có của các nhân vật siêu anh hùng đã nổi đình nổi đám khác, cũng không khiến Robert Downey Jr phải hủy hoại sự nghiệp nếu chẳng may vai diễn này thất bại.
Từ một nước đi an toàn, may mắn đã mỉm cười với nhà sản xuất. Đúng là, hay không bằng hên!