Những video “5-to-9” viral trên TikTok đang khiến Gen Z kiệt sức?
Những tưởng tắt máy tính sau 5 giờ chiều là hết việc, nhưng nhiều người trẻ Gen Z lại vô tình đăng nhập vào một “ca làm” khác trên mạng xã hội. Đó chính là những video “5-to-9” (khung giờ từ 5 giờ chiều đến 9 giờ sáng hôm sau) đang càn quét TikTok, vẽ nên một bức tranh hoàn hảo về cuộc sống ngoài giờ làm của dân công sở trẻ. Cùng Techie thảo luận sâu hơn về trào lưu này qua nội dung sau đây!
Nỗi sợ bị tụt lại
Một bạn trẻ gen Z thường làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. Vậy ngoài giờ làm thì sao?
Trên các nền tảng xã hội, CorporateTok tràn ngập những nội dung như thức dậy lúc 5 giờ sáng, uống sinh tố healthy, đọc sách cùng lịch trình kín mít từ tập gym, đi làm, ăn tối cùng bạn bè cho đến các bước chăm sóc da buổi tối. Thoạt nhìn, trào lưu này dường như cổ vũ triết lý cân bằng cuộc sống – công việc, nhưng thực tế, nó đang phản tác dụng.
*CorporateTok là thuật ngữ ghép giữa 2 từ: “Corporate” và TikTok, nhằm chỉ các video với nội dung chuyên chia sẻ về đời sống công sở thường ngày.
Theo một khảo sát của Talker Research, tình trạng kiệt sức (burnout) đang đến sớm hơn bao giờ hết. Gen Z và Millennials cho biết họ bắt đầu cảm thấy áp lực ở tuổi 25, trong khi các thế hệ trước phải đến tận 42 tuổi mới chạm ngưỡng đó. Dù Gen Z nổi tiếng với việc đề cao ranh giới sống và làm, vấn đề là: không chỉ công việc khiến các bạn trẻ kiệt sức.
Một nghiên cứu năm 2022 của McKinsey chỉ ra rằng Gen Z bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội nhiều hơn các thế hệ trước. Họ cũng dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng này: 35% dành hơn 2 tiếng mỗi ngày, so với chưa tới 25% ở nhóm người lớn tuổi hơn. Những video “lý tưởng hóa” cuộc sống công sở đã góp phần tạo ra một áp lực vô hình, thúc đẩy sự so sánh không ngừng và làm trầm trọng thêm cảm giác kiệt sức.
Angela Yuson Lee, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford, nhận định rằng mạng xã hội đang nhồi nhét vào tâm trí người trẻ thông điệp phải luôn làm việc, luôn cố gắng. “Không chỉ là trở thành một sếp trẻ thành công, mà bạn còn phải đẹp, nổi tiếng như influencer, hay khỏe như vận động viên. Trên mạng, bạn luôn thấy phiên bản giỏi nhất, ấn tượng nhất của bất kỳ lĩnh vực nào – nhiều hơn cả ngoài đời thực.”
Khi influencer đời thường lên ngôi
Dù vậy, không phải ai cũng “mắc bẫy” những video siêu năng suất 5-to-9. Một số content creator đang cố gắng tìm điểm cân bằng.
Chiara Lucia là một content creator như vậy. Cô 23 tuổi, là một nhân viên văn phòng tại New York. Kênh Tiktok của Chiara hiện có 78K follower và hơn 4K subscriber trên YouTube.
Bạn sẽ hiếm khi thấy cô đi dự tiệc PR hay ăn tối sang chảnh hay tập thể dục đều đặn. Thay vào đó là những video như “5-to-9 sau 9-to-5 của tôi” hay “ngày không tiêu tiền”. Cô muốn khơi gợi suy nghĩ: một khi kết thúc công việc, đã đến lúc lấy lại thời gian cho chính mình. Tuy nhiên, ngay cả Lucia cũng thừa nhận bản thân không tránh khỏi áp lực “phải làm mọi thứ”
“Ở New York, bạn dễ bị cuốn vào lối sống vội vã, giống như kiểu: mình sống ở thành phố lớn, phải tận dụng chứ. Nhưng điều đó không thực tế nếu bạn chỉ đang làm công việc lương bình thường và luôn cảm thấy mệt mỏi.” – Chiara chia sẻ.
Hãy dùng mạng xã hội tỉnh táo hơn
Việc tiếp cận cuộc sống của người khác – dù đó là cuộc sống thật hay phô bày – sẽ không biến mất. Ví dụ rõ ràng là chính Chiara Lucia cũng phản ứng với trào lưu 5-to-9 phi thực tế bằng cách… tạo ra phiên bản 5-to-9 bền vững hơn. Giới trẻ không thể kiểm soát nội dung, nhưng có thể học cách kiểm soát cách mình tiêu thụ chúng.
Lucia nói cô giữ được sự tỉnh táo nhờ những người bạn ngoài giới influencer.
Tiến sĩ Lee cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự hỏi: mạng xã hội khiến bạn cảm thấy thế nào? Trong các buổi thảo luận với Gen Z, cô nhận thấy rằng chẳng ai thật sự áp dụng những chu trình dưỡng da hay lịch trình tập luyện “hoàn hảo” trên mạng cả. Cô cho rằng đã đến lúc tăng cường giáo dục về tư duy truyền thông (media literacy) để giúp người trẻ hiểu rõ đâu là nội dung lan truyền, đâu là cách sống bền vững thực tế.
Tiến sĩ Lee ví hiện tượng này như hội chứng con vịt Stanford: “Bạn thấy mọi người ở Stanford đều vui vẻ, trông rất ổn, tựa như những con vịt lướt nhẹ nhàng trên mặt nước. Nhưng nếu nhìn kỹ bên dưới, ai cũng đang vẫy cánh điên cuồng để không bị tụt lại.”
Có lẽ, Gen Z không cần phải mô phỏng những cuộc sống “trôi chảy như nước” mà mạng xã hội bày ra. Họ chỉ cần bắt đầu bằng việc nhìn sâu hơn dưới mặt nước, nơi mọi người đều đang cố gắng theo cách riêng của mình.
>>Xem thêm: Xu hướng emoji mới: Khi Gen Z bỏ trái tim đỏ để chọn cáp treo và hoa héo