7 điều khiến bạn “phải lòng” với không gian vũ trụ
Bạn có còn nhớ khoảnh khắc đầu tiên mình cảm thấy kết nối với những vì sao? Bạn đã từng là “một kẻ mộng mơ nhìn lên bầu trời”, hay bạn chỉ thật sự yêu vũ trụ sau khi học về nó ở trường lớp? Có không ít khoảnh khắc có thể biến chúng ta thành một “astrophile” chính hiệu – như cái cách mà tác giả, nhà kỹ sư khoa học Dibakar Ghosh chia sẻ ngay sau đây! Cùng Techie điểm qua nhé!
1. Dạo bước dưới ánh trăng trong một đêm mất điện
Tuổi thơ của nhiều người thuộc thế hệ 8x, 9x đều gắn liền với những đêm mất điện. Có những lần được báo trước, có những sự cố mất điện bất ngờ. Nhưng chính trong những đêm tối ấy, tôi lại được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp đặc biệt: những con đường đắm chìm trong ánh trăng, đẹp đến siêu thực, nhất là vào những đêm trăng tròn.
Không có ánh sáng nhân tạo chen vào, bầu trời như bừng sáng với hàng ngàn vì sao lấp lánh. Thói quen ngắm sao “tình cờ” ấy khiến tôi sớm biết xem lịch trăng và đếm ngược chờ đêm trăng tròn – từ trước cả khi tôi học về thiên văn trong trường. Cảm giác háo hức khi mất điện trùng với ngày rằm – với tôi – không khác gì chờ một buổi biểu diễn kỳ diệu của vũ trụ.
2. Phát hiện ra có cả… vũ trụ ngoài hệ Mặt Trời
Thời đi học, chúng ta thường được giảng khá kỹ về hệ Mặt Trời. Từ thứ tự các hành tinh, số lượng vệ tinh, cho đến việc Pluto vẫn còn được tính là một hành tinh thời đó. Nhưng điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất là: không ai nói gì về những thứ ngoài hệ Mặt Trời.
Tôi từng nghĩ rằng các ngôi sao là khoảng trống giữa các hành tinh, và Pluto thì đứng ở rìa vũ trụ – bên ngoài đó chẳng còn gì nữa! Tôi thậm chí còn nói điều đó với thầy giáo, và thầy đã nhẹ nhàng – nhưng hoàn toàn làm sụp đổ thế giới quan của tôi. Không chỉ có “thứ gì đó” ngoài hệ Mặt Trời – mà “thứ gì đó” ấy có quy mô vượt xa sức tưởng tượng.
Mặt Trời của chúng ta chỉ là một trong hàng tỷ ngôi sao trong Dải Ngân Hà, và vũ trụ quan sát được có hàng tỷ thiên hà như thế. Chưa kể đến, rất có thể vũ trụ quan sát được chỉ là một phần nhỏ – bên ngoài đó còn vô số vũ trụ khác nữa, không có giới hạn.
3. Lần đầu tiên nhìn thấy Dải Ngân Hà
Tôi từng nghĩ những bức ảnh chụp Dải Ngân Hà lấp lánh là sản phẩm của photoshop. Ai đó đã chụp bầu trời đêm, rồi chỉnh sửa hình thật lung linh cho đẹp. Nghe có vẻ buồn cười, tôi từng sống ở vùng ngoại ô ít bị ô nhiễm ánh sáng. Tuy đã nhìn thấy bầu trời đầy sao, nhưng tôi lại chưa từng nhìn thấy những dải ánh sáng kỳ ảo như trong ảnh. Vậy nên tôi mặc định: “Đây là chiêu trò kỹ xảo!”
Suy nghĩ đó kéo dài cho đến khi tôi tham gia một chuyến trekking lên đỉnh Sandakphu (cao hơn 3.600m). Đêm xuống, tôi ngẩng đầu lên và sững sờ. Một dòng sáng nhạt nhưng rõ ràng trải dài qua bầu trời – Dải Ngân Hà hiện ra thật sự. Không phải photoshop, không phải tưởng tượng. Chỉ là trong thành phố, ánh sáng và khói bụi đã che giấu nó đi mà thôi. Sau này tôi mới biết: các nhiếp ảnh gia dùng kỹ thuật phơi sáng lâu và hậu kỳ để làm nổi bật điều vốn đã có thật. Và điều đó khiến tôi càng thêm yêu những khoảnh khắc lặng lẽ dưới bầu trời sao.
4. Nhìn thấy các hành tinh bằng mắt mình
Người đã mở rộng tầm nhìn vũ trụ là vị thầy giáo sống gần nhà của tôi. Thi thoảng, một nhóm nhỏ học sinh sẽ đến nhà thầy học thêm. Trong mộ buổi học nọ, tôi đã lần đầu tiên nhìn thấy thứ trước đây chỉ biết đến qua phim: kính thiên văn.
Thầy đã cho chúng tôi ngắm thử sau buổi học. Đầu tiên là Mặt Trăng. Vẫn là Mặt Trăng, nhưng qua ống kính thì hoàn toàn khác biệt. Không còn là đĩa sáng phẳng lì, mà hiện lên chi tiết: hố va chạm, rặng núi, địa hình lồi lõm. Nhưng cú sốc lớn nhất là khi thầy chỉ cho chúng tôi thấy các hành tinh: Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thổ. Chúng chỉ là những đốm nhỏ, nhưng việc tôi thật sự thấy chúng – bằng mắt mình – đã biến lý thuyết thành hiện thực. Vũ trụ giờ không còn trừu tượng. Nó thật. Nó rộng lớn. Và tôi có thể nhìn thấy nó.
5. Nhận ra các chòm sao là có thật
Lần đầu tiên tôi “tranh cãi” về không gian là hồi mẫu giáo (hoặc lớp 1 gì đó).
Một người bạn nói về chòm sao – cách những ngôi sao tạo thành hình con vật, người hay đồ vật trên bầu trời. Tôi lập tức phản đối: “Không thể nào! Chẳng ai nối mấy cái chấm lại rồi gọi đó là con gấu cả!” Chúng tôi đã tranh luận căng thẳng đến mức cô giáo phải can thiệp. Và cô xác nhận: đúng là có chòm sao, từ hàng nghìn năm trước, trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
Tôi đã thật sự bối rối. Tại sao lại là những ngôi sao đó? Ai quyết định hình kia là sư tử hay thợ săn chứ không phải cái gì khác? Chính thất bại trong cuộc tranh luận sân trường ấy đã khiến tôi tò mò hơn bất kỳ cuốn sách nào. Tôi bắt đầu mượn sách về chòm sao, học tên, học truyền thuyết, và cách xác định chúng. Tổ tiên của chúng ta đã dùng bầu trời để định hướng, canh tác và khám phá suốt hàng nghìn năm. Tôi nhận ra rằng thiên văn học không chỉ là khoa học, mà còn là một phần quan trọng trong lịch sử, văn hóa và sự phát triển của nhân loại.
6. “Xuyên Không” cùng Morgan Freeman
Through the Wormhole là loạt phim tài liệu đầu tiên tôi chủ động xem đều đặn mỗi tối khi được phát sóng. Dù không hoàn toàn nói về không gian, nhưng phim thường đề cập đến những khái niệm như lỗ đen, vật chất tối hay đa vũ trụ.
Phải thừa nhận rằng phim nghiêng về dạng “khoa học đại chúng” hơn là nghiên cứu nghiêm túc – đôi khi hơi cường điệu, hoặc làm cho các giả thuyết nghe như sự thật. Mặc dù vậy, nó đã làm được điều quan trọng nhất: khiến tôi đặt câu hỏi. Tôi bắt đầu hỏi về lỗ sâu, về thời gian, về du hành không gian. Rồi tự đọc thêm, tự nghiên cứu ngoài chương trình học. Niềm đam mê thiên văn học từ đó mà lớn dần lên – và trở thành một phần con người tôi ngày hôm nay.
7. Xem The Matrix và suy nghĩ về… nhân quả
The Matrix không phải phim về không gian – nhưng lại chạm đến một thứ rất “vũ trụ”: nhân quả.
Trong phần Reloaded, nhân vật Merovingian có đoạn độc thoại về cách mọi hành động là hệ quả của một nguyên nhân nào đó trước đó. Tư tưởng đó bám lấy tâm trí tôi: nếu mọi sự đều là kết quả của cái gì đó trước đó, thì chúng ta có thể lần ngược lại mọi thứ đến điểm khởi đầu? Tôi tồn tại vì cha mẹ tôi, họ tồn tại vì ông bà… rồi về đến những sinh vật sống đầu tiên trên Trái Đất cách đây 3,7 tỷ năm.
Nhưng những sinh vật ấy cũng chỉ là sự kết hợp của các nguyên tố: hydro, carbon, nitơ… – những thứ được hình thành trong lòng các ngôi sao – mà các ngôi sao hình thành từ mây khí vũ trụ – xuất phát từ vụ nổ Big Bang. Và đấy! Tôi đến từ vũ trụ. Hay như Carl Sagan từng nói: “Chúng ta được tạo nên từ bụi sao.” Khi tôi thật sự thấm thía điều đó, tôi rơi vào một trạng thái choáng ngợp. Và từ đó, yêu vũ trụ đến tận cùng.
Tình yêu với vũ trụ không phải lúc nào cũng bắt đầu bằng kiến thức khoa học. Đôi khi, nó chỉ cần một lần mất điện, một lần ngước nhìn bầu trời, hay một lần đặt câu hỏi “ngoài kia có gì?”. Vậy còn bạn, bạn có đồng cảm với tác giả Dibakar Ghosh?
>>Xem thêm: 7 vật chất đắt đỏ nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất