6 cách các nền tảng mua sắm “móc túi” người tiêu dùng và bí kíp để không mắc bẫy!
Có bao giờ bạn móc hầu bao để mua sắm hàng tá những thứ không cần thiết khi lướt web, để rồi sau đó lại hối hận về quyết định mua hàng của mình? Có rất nhiều thủ thuật tâm lý và công cụ tiếp thị mà các trang bán lẻ trực tuyến sử dụng để thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng. Và có vẻ từ sau đại dịch, các nền tảng bán hàng online càng biết cách thuyết phục người dùng hiệu quả hơn. Hãy cùng Techie khám phá thủ thuật đó là gì để tránh “mắc bẫy” nhé!
Giảm giá để đổi lấy thông tin liên hệ hoặc lượt follow cửa hàng
Hình thức thường gặp nhất là các nhà bán lẻ online cung cấp chiết khấu 10% – 15% cho đơn hàng đầu tiên của khách hàng, trong điều kiện là khách hàng sẽ bấm follow cửa hàng hoặc cung cấp email và số điện thoại di dộng. Bằng cách đồng ý nhận email và tin nhắn văn bản, khách hàng đã “mở cánh cửa” để mọi thông tin khuyến mãi và lời nhắc mua hàng tìm tới.
Một số công ty sẽ sử dụng thủ thuật này tốt hơn những công ty khác. Dựa trên dữ liệu người tiêu dùng, các đơn vị bán hàng online sẽ xây dựng nền tảng tương tác khách hàng cá nhân hóa để xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với khách hàng. Ví dụ, nếu bạn đã mua một chiếc áo khoác dày và địa chỉ cho biết bạn sống ở một nơi có khí hậu 4 mùa rõ rệt, nhiều khả năng nền tảng sẽ đề xuất cho bạn một số loại áo mưa vào thời điểm xuân hè.
Apple Pay và mua ngay, trả sau
Ai đã từng từ bỏ giỏ hàng trực tuyến chỉ vì lười lấy thẻ tín dụng ra khỏi ví? Nhiều phương thức thanh toán đã được giới thiệu đến người tiêu dùng để làm cho quá trình thanh toán dễ dàng hơn.
Thanh toán một lần nhấp chuột trên Amazon, Apple Pay và Google Pay có thể lưu thông tin thẻ tín dụng của khách hàng trực tuyến. Các tùy chọn mua ngay, trả sau như cho phép người mua hàng mua hàng ngay lập tức và thiết lập kế hoạch trả góp hàng tháng.
Bằng cách làm cho quy trình thanh toán dễ dàng hơn, các hình thức thanh toán này cải thiện tỷ lệ chuyển đổi cho các nền tảng bán lẻ. Theo một nghiên cứu của Insider Intelligence và eMarketer, hơn một nửa số người mua hàng kỹ thuật số thuộc thế hệ gen Z đã sử dụng dịch vụ mua ngay – trả sau vào năm 2022. Và danh sách các nhà bán lẻ trên toàn ngành thêm Google Pay, Apple Pay và PayPal vào các tùy chọn thanh toán tiếp tục tăng lên.
Mua trực tuyến, nhận hàng tại cửa hàng
Việc mua hàng trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng đã trở thành trào lưu trong thời gian đại dịch. Các nhà bán lẻ vẫn rất ưa thích phương pháp này vì nó giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, vẫn còn một lợi ích khác. Đó là cách để nhà bán lẻ tăng kích cỡ giỏ hàng của người tiêu dùng. Khách hàng có thể đến nhận hàng tại cửa hàng vì muốn có sản phẩm nhanh hơn hoặc tiết kiệm phí ship. Nhưng khả năng cao là họ sẽ mua thêm một sản phẩm khác khi đến đó.
“Cú lừa” khan hiếm
Rất nhiều cách chúng ta mua sắm và đưa ra quyết định mua hàng là vô thức. Trong khi chúng ta có thể biết rõ rằng tính khan hiếm là một chiêu trò tiếp thị, nhưng ý thức vô thức của chúng ta lại không biết. Hiện tượng này có thể được lý giải bằng học thuyết Lizard Brain (bộ não thằn lằn).
Theo “Lý thuyết 3 não bộ” của Paul MacLean, con người có tới ba bộ não: phần não chi phối những hoạt động “bản năng” (Lizard Brain ), phần não “cảm xúc” (emotional brain) và phần não của “lý trí và logic” (logical brain). Trong quá trình ra quyết định của não, hai phần não “bản năng” và “cảm xúc” có vẻ lấn át hơn cả. Bởi vì não “lý trí” rất tốn năng lượng khi vận hành nên chỉ đóng vai trò rất nhỏ.
Điều này đã được các nền tảng bán hàng ứng dụng vào thủ thuật marketing. Các ví dụ về chiêu trò này bao gồm khi một nhà bán lẻ nói rằng một sản phẩm đang sắp “cháy” hàng và nó sẽ không trở lại; hoặc khi các mặt hàng chỉ có thể được giữ trong giỏ hàng của bạn trong một khoảng thời gian giới hạn. Dù cho chỉ là “sự khan hiếm giả” – có nghĩa là, các nhà bán hàng vẫn còn rất nhiều sản phẩm trong kho hàng – không thể phủ nhận rằng nó hiệu quả.
Hiệu ứng lan truyền Social Proof
Đánh giá và nhận xét tích cực là hình thức tạo hiệu ứng lan truyền tốt nhất. Chúng cung cấp ‘bằng chứng’ cho việc người khác đã mua sản phẩm trước bạn và có kết quả tốt.
Nhưng chúng ta ngày càng thấy các phiên bản tinh vi hơn của chiêu trò Social Proof. Tùy thuộc vào số liệu mà các nhà bán lẻ có về bạn, họ có thể cho bạn thấy khi nào người dân trong khu vực của bạn, hoặc thậm chí là những người bạn theo dõi trên mạng xã hội, đã mua sản phẩm và thích nó. Chua kể, còn có việc tiếp thị thông qua người có ảnh hưởng, trong đó các ngôi sao nổi tiếng và những người nổi tiếng trên mạng xã hội được trả tiền để quảng cáo các sản phẩm phù hợp với những gì khán giả và người theo dõi của họ có thể bị cám dỗ mua.
Giá gốc và giá đang giảm
Khi lướt xem sản phẩm trên trang thương mại điện tử, chúng ta thường thấy một sản phẩm có hai giá được liệt kê, một giá cao được gạch ngang và một giá mới thấp hơn. Chiêu trò này được thiết kế để cho người tiêu dùng biết rằng họ đang có được một món hời – hoặc trong mộ số trường hợp là lừa dối khách hàng.
Ví dụ, nếu một sản phẩm ban đầu có giá 100 USD và sau đó được giảm giá xuống 30 USD – đây thực sự là một món hời. Nhưng một ví dụ về trường hợp lừa dối sẽ là khi một sản phẩm thực sự có giá 30 USD nhưng lại để giá gốc trước đó là 100 USD.
Một số gợi ý để tránh các chiêu trò tiếp thị của các nhà bán lẻ
Theo chuyên gia thương mại điện tử Jason Goldberg, điều quan trọng là người dùng cần xây dựng thói quen để làm các chiêu trò tiếp thị trở nên kém hiệu quả hơn.
Đối với người thường có xu hướng mua những mặt hàng không cần thiết, Goldberg đề nghị bạn tự thiết lập khoảng thời gian nghỉ sau khi bạn thêm hàng vào giỏ hàng. Tách quá trình thêm hàng vào giỏ hàng và quá trình thanh toán sẽ giúp bạn đưa ra quyết định hợp lý hơn, ông nói.
Một gợi ý khác: đừng mắc phải chiêu trò giảm giá và cung cấp thông tin liên hệ của bạn cho các trang bán hàng online. Điều đó sẽ giúp các nền tảng này tiếp thị cá nhân hóa hơn và có thể khiến bạn chi tiêu nhiều hơn.
Tóm lại, người tiêu dùng cần nắm rõ nhu cầu của mình và tốt hơn hết, nên thiết lập ngân sách mua sắm tối đa và không chi tiêu quá hạn mức đó. Hãy là người tiêu dùng thông minh trong thời đại tiếp thị số!
>>Xem thêm: Ảnh hưởng của công nghệ đến việc yêu xa