5 phút đọc: Hiểu hết về nghề Kỹ sư cầu nối (BrSE)!

Kỹ sư cầu nối (BrSE) là một trong những nghề “hot” tại các công ty Công nghệ. Với vai trò đứng giữa khách hàng và đội phát triển dự án, BrSE không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần nhiều kỹ năng mềm khác. Nếu bạn là một người đam mê CNTT nhưng đồng thời thích giao tiếp và gặp gỡ với nhiều người, hãy cùng Techie tìm hiểu về công việc đầy tiềm năng này nhé!

Giới thiệu tổng quan về Kỹ sư cầu nối

Kỹ sư cầu nối là gì?

Kỹ sư cầu nối (Bridge System Engineer – viết tắt: BrSE) là công việc đặc thù tại các công ty CNTT. Vị trí này thường chỉ xuất hiện tại các công ty IT outsourcing hoặc offshoring. Đúng như tên gọi, BrSE được ví như “chiếc cầu nối” giữa khách hàng với đội ngũ phát triển dự án. Họ đóng vai trò trung gian, truyền đạt ý tưởng, yêu cầu của khách hàng đến team dự án và ngược lại.

Kỹ sư cầu nối là gì
BrSE là công việc đặc thù tại các công ty IT Outsourcing

Vì sao các công ty công nghệ cần có Kỹ sư cầu nối?

Thông thường, khách hàng thường không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, họ có thể gặp khó khăn trong việc truyền đạt yêu cầu của mình cho đội phát triển dự án. Mặt khác, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn. Nhất là tại những công ty Việt chuyên làm sản phẩm cho các nước Âu Mỹ và Nhật Bản. Đó chính là lý do cần có Kỹ sư cầu nối.

Bằng việc đóng vai trò người đứng giữa, BrSE giúp tạo sự liên kết giữa 2 bên. Vừa đảm đảo sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh của công ty. Mặt khác, họ cũng góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh và hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả.

Công việc kỹ sư cầu nối
Kỹ sư cầu nối đứng giữa khách hàng và đội phát triển dự án

Vai trò chính của kỹ sư cầu nối

Tùy vào đặc thù ở mỗi công ty, vai trò của BrSE sẽ có một số điểm khác nhau. Dưới đây là các nhiệm vụ cơ bản:

Giao tiếp và truyền đạt yêu cầu

Như đã đề cập, nhiệm vụ của Kỹ sư cầu nối là truyền đạt thông tin hai chiều: giữa khách hàng và đội phát triển dự án một cách chính xác, hiệu quả. Trách nhiệm của BrSE là làm sao giúp 2 bên hiểu nhau hơn để từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng, đúng thời hạn như cam kết.

Khi đưa yêu cầu cho đội phát triển, BrSE đóng vai trò đại diện cho khách hàng. Ngược lại, khi có vấn đề phát sinh, BrSE lại đóng vai trò đại diện cho đội phát triển để thương thảo với khách hàng.

BrSE cần có kỹ năng giao tiếp tốt
Giao tiếp là kỹ năng quan trọng đối với BrSE

Điều tiết và quản lý

Không chỉ là người giao tiếp, Kỹ sư cầu nối còn có nhiệm vụ phân tích và hỗ trợ đội phát triển dự án về các vấn đề kỹ thuật, quản lý task, lên plan, tìm ra các phương án giúp tăng năng suất cho toàn đội. Khi ở giai đoạn kết thúc, BrSE cũng là người review sản phẩm trước khi release cho khách hàng.

Hỗ trợ khách hàng

BrSE cần nắm rõ ý tưởng, cách thức làm việc cũng như vận hành dự án của khách hàng. Từ đó, hỗ trợ khách đưa ra yêu cầu, ý tưởng.  Đồng thời, BrSE còn là người cố vấn khách hàng sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả; giải đáp câu hỏi và phản hồi các yêu cầu phát sinh.

Phân tích và đánh giá

Tất nhiên, vai trò của Kỹ sư cầu nối không chỉ dừng lại ở việc truyền tin. Họ cần có kiến thức chuyên môn về kỹ thuật để phân tích, đánh giá yêu cầu của khách hàng để đưa ra các giải pháp tối ưu nhất.

Vậy BrSE cần có những kỹ năng nào?

Kỹ năng chuyên môn

Kiến thức công nghệ, kỹ thuật

Kiến thức chuyên môn của kỹ sư cầu nối
BrSE không cần biết code, tuy nhiên cần có kiến thức cơ bản về công nghệ

Kỹ sư cầu nối không trực tiếp làm việc về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, họ cần có kiến thức cơ bản về công nghệ để truyền đạt thông tin hiệu quả. Cụ thể, BrSE cần:

  • Nắm rõ các công nghệ, công cụ và phần mềm sử dụng trong quá trình phát triển sản phẩm
  • Có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ lập trình
  • Có kiến thức cơ bản về cơ sở dữ liệu
  • Ở những công ty áp dụng mô hình quản lý theo Agile, BrSE cũng cần nắm rõ về Agile và Scrum.

>> Xem thêm: Agile là gì? 

Kỹ năng ngoại ngữ

Muốn làm kỹ sư cầu nối nhưng không thông thạo ngoại ngữ? Xin chia buồn với bạn! Bởi, ngoại ngữ là kỹ năng đặc biệt cần thiết trong quá trình làm việc với khách hàng. Tùy vào thị trường, BrSE có thể thông thạo một số ngoại ngữ khác nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng tốt tiếng Anh sẽ giúp bạn tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu phục vụ cho công việc hơn.

Kỹ năng mềm

Giao tiếp

Cụ thể, bao gồm kỹ năng lắng nghe, truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc. Biết cách làm chủ tình huống, nhẫn nại và điềm tĩnh khi cần thiết. Ngoài ra, BrSE còn cần thấu hiểu văn hóa đất nước, phong cách làm việc khách hàng. Ví dụ, nếu bạn làm việc với khách hàng Nhật, bạn phải nắm rõ cung cách làm việc của người Nhật.

Tự học

Công nghệ là lĩnh vực luôn có sự cập nhật và cải tiến theo thời gian. Nếu không “xuôi theo dòng chảy” của ngành bằng cách tự học hỏi không ngừng, BrSE sẽ khó có sự tiến bộ và đi xa hơn với công việc này.

Các kỹ năng mềm khác

Bao gồm các kỹ năng cơ bản như:

+ Teamwork (làm việc nhóm)

+ Kỹ năng giải quyết vấn đề

+ Kỹ năng lãnh đạo để phân công công việc cho các thành viên…

FAQs về công việc kỹ sư cầu nối

1. BrSE là vị trí chỉ có ở các công ty IT Nhật Bản?

Đúng là các công ty Nhật thường có nhu cầu tuyển dụng cao về BrSE. Lý do là số lượng công ty IT Outsourcing tại Việt Nam hiện đang làm cho thị trường Nhật khá nhiều. Tuy nhiên, ở những công ty chuyên thị trường Âu Mỹ cũng có Kỹ sư cầu nối – không chỉ ở công ty Nhật.

Công ty IT Nhật Bản
Không chỉ các công ty IT Nhật mới có nhu cầu tuyển BrSE

2.  BrSE cần biết lập trình không?

Không cần thiết. Tuy nhiên, nếu BrSE có kiến thức lập trình thì sẽ có lợi thế rất lớn. Bởi, không chỉ giúp đưa ra phương án hiệu quả cho khách hàng, bạn cũng sẽ thuận lợi làm việc với nhóm phát triển hơn.

3. Mức lương của Kỹ sư cầu nối là bao nhiêu?

Theo khảo sát trên thị trường, mức lương của BrSE đang dao động vào khoảng 1.500 – 2.000 USD đối với người có kinh nghiệm từ 3 – 5 năm làm việc. Nhìn chung, mức lương sẽ còn phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm và range lương của từng doanh nghiệp.

4. Học gì để trở thành kỹ sư cầu nối?

Học ngoại ngữ và các kiến thức cơ bản về IT.

Kết luận

BrSE là vị trí có nhiều thử thách và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, chính điều đó đã làm nên sự thú vị và cơ hội phát triển cho những ai theo đuổi công việc này. Đặc biệt, với những bạn trẻ thông thạo ngoại ngữ và đang muốn lấn sân sang lĩnh vực IT, BrSE là lựa chọn rất đáng cân nhắc. Hy vọng qua nội dung trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn Kỹ sư cầu nối là gì để từ đó xây dựng lộ trình phát triển phù hợp cho bản thân.

>>>Xem thêm: Quản trị hệ thống là công việc gì?

Khám phá thêm
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Nếu như các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Okcupid, Facebook Dating vẫn chưa đem đến cho bạn một anh...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...